Nhiều chuyển biến tích cực trên vùng cao Nam Giang

Nhiều năm nay, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chăn nuôi gia súc theo phương thức thả rông. Trâu, bò được buộc vào một gốc cây trong rừng, tự kiếm ăn trong phạm vi độ dài của dây thừng buộc mũi. Cách thức chăn nuôi này khiến trâu, bò còi cọc, dễ mắc bệnh, ốm yếu do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu. Không ít trường hợp bị dây thừng quấn cổ làm ngạt thở dẫn đến chết, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho người dân. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và BĐBP đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, thực hiện nuôi nhốt gia súc.

Thói quen thả rông gia súc khiến cho gia súc còi cọc, dễ bị tổn thương. Ảnh: Bích Nguyên

Thói quen thả rông gia súc khiến cho gia súc còi cọc, dễ bị tổn thương. Ảnh: Bích Nguyên

Thói quen canh tác lạc hậu

Là người sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Đắc Pring, ông Hiên Giăng chứng kiến những thăng trầm của vùng đất này. Ông bảo, so với trước kia, cuộc sống của người dân tốt hơn rất nhiều. Bây giờ có đường giao thông, trạm y tế, có điện, trường học, bà con không còn phải chịu cảnh thất học, đói ăn hàng 3-4 tháng như những năm xưa cũ. Phấn khởi là vậy, nhưng ông Hiên Giăng vẫn trăn trở là bà con vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, trong đó có việc thả rông trâu bò, hiệu quả kinh tế thấp kém.

Ông Hiên Giăng cho hay: “Không ít hộ gia đình nuôi bò đến lúc lớn có thể bán được thì lại bị dây thừng quấn cổ ngạt thở mà chết”. Theo như lời giải thích của ông, bà con thường đưa bò lên rẫy, lên rừng buộc một đầu dây thừng vào gốc cây để bò tự ăn cỏ trong phạm vi đường kính của dây buộc. Mỗi ngày bà con lên kiểm tra 1-2 lần, vì thế có khi bò ăn cỏ theo vòng tròn bị dây quấn quanh cổ không được gỡ kịp thời dẫn đến chết vì bị ngạt thở.

Tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế hộ gia đình của đồng bào các dân tộc ở Đắc Pring và các xã biên giới huyện Nam Giang, chúng tôi được biết, bà con chủ yếu trồng lúa rẫy và chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tập quán canh tác lạc hậu, chăn nuôi thả rông hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân. Cũng vì thói quen lạc hậu này nên dù có lợi thế đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn cho gia súc nhiều, nhưng chăn nuôi chưa thể mang lại lợi nhuận kinh tế lớn cho người dân mà còn bị thiệt hại. Câu chuyện của anh Tờ Ngôn Hin, thôn Ta Vâng, xã Đắc Tôi là một ví dụ.

Như nhiều người dân khác ở huyện miền núi Nam Giang, cuộc sống của gia đình anh Hin phụ thuộc hoàn toàn vào canh tác lúa, ngô, đậu và chăn nuôi bò, lợn. Nguồn cỏ dồi dào nên gia đình anh không phải lo. Anh kể: “Ở đây bà con chủ yếu nuôi bò. Chúng tôi thường buộc chúng trên rẫy, mỗi ngày lên kiểm tra 1-2 lần”. Cũng theo lời anh Hin, thỉnh thoảng bò nhà anh bị quấn dây dẫn đến chết. Đối với anh Hin nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, con bò được coi như một thứ tài sản, là khoản tiền để dành. Bò chết, nghĩa là đồng bào mất đi một khoản tiền, nhưng họ vẫn chấp nhận rủi ro chỉ vì một lẽ tập tục thả rông gia súc đã ăn sâu vào tiềm thức. Một lý do nữa là đồng bào vẫn chưa nhận thức được lợi ích của việc nuôi nhốt trâu bò.

Tại xã lân cận La Dêê, tình trạng gia súc chết do bị dây quấn cổ cũng xảy ra do bà con giữ thói quen chăn nuôi lạc hậu. Chị A Lăng Trí ở thôn Đắc Óc cho hay: “Theo tập tục cũ, bà con ở đây không chăn dắt, cũng không làm chuồng trại để nhốt mà thường thả rông để bò tự kiếm ăn. Thông thường, buổi sáng, bà con sẽ dắt lên rừng, buộc một đầu dây vào cây để bò ăn cỏ quanh đó, tới chiều mới lên dắt về, thậm chí 1-2 ngày sau mới lên kiểm tra. Vì thế, bò hay bị dây buộc quấn quanh cổ gây chết ngạt”.

Kiên trì tuyên truyền thay đổi tập quán

Thiếu tá Trần Thanh Vinh, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, BĐBP Quảng Nam được tăng cường xã giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã La Dêê cho biết, thói quen chăn thả rông gia súc gây nhiều tác động tiêu cực như không kiểm soát được dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, không ít trường hợp trâu, bò bị rớt xuống hố, bị quấn dây chết. Nhận thấy việc thả rông gia súc gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân, BĐBP đứng chân trên địa bàn đang phối hợp với chính quyền các cấp ở huyện Nam Giang tập trung tuyên truyền về những tác động tiêu cực của việc thả rông trâu bò và vận động bà con trồng cỏ để nuôi nhốt bò hoặc chăn dắt, chuyển từ tư duy sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Một số hộ dân ở xã La Dêê đã bỏ phương thức thả rông gia súc, chuyển sang chăn dắt và trồng cỏ voi cho bò ăn. Ảnh: Nguyễn Vinh

Một số hộ dân ở xã La Dêê đã bỏ phương thức thả rông gia súc, chuyển sang chăn dắt và trồng cỏ voi cho bò ăn. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chia sẻ với chúng tôi, với tư cách là Bí thư Chi bộ, chị A Lăng Trí cho biết, việc vận động bà con thay đổi tư duy, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, thả rông không dễ, vì thế, chị và các cán bộ của thôn xác định phải tiến hành theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Trước hết, bản thân chị gương mẫu đi đầu làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thôn cũng lựa chọn, động viên những hộ có điều kiện đất đai rộng lớn, có nguồn nhân lực thực hiện khoanh nuôi gia súc, sau đó mới nhân rộng ra.

Bước đầu, một số hộ dân trong xã La Dêê đã lập khu khoanh nuôi gia súc, làm hàng rào chắn, không để bò đi ăn tự do, căng bạt che nắng, che mưa cho bò, thực hiện kết hợp chăn dắt với chăn thả. Một số hộ dân khác như gia đình anh Brao Ngát, thôn Công Tơ Rơn đã thực hiện việc nuôi nhốt bò trong chuồng, trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò.

Anh Brao Ngát cho biết: “Thực tế phong tục thả rông trâu, bò khiến chúng không lớn nhanh, lại hay bị bệnh. Không những thế, trâu, bò thả rông còn gây ra nhiều phiền toái đó là trâu, bò thường đi lạc vào nương rẫy, phá hoại hoa màu dẫn tới xích mích giữa các hộ dân với nhau, gây mất đoàn kết trong thôn”.

Anh Brao Ngát vui vẻ cho biết thêm: “Nhờ cán bộ Biên phòng tuyên truyền, tôi biết được việc nuôi nhốt trâu, bò mang lại nhiều lợi ích hơn so với thói quen thả rông, đó là hiệu quả phòng bệnh tốt hơn, sinh trưởng tốt, 1 năm có thể sinh sản 2 lứa. Hơn nữa, với việc trồng cỏ, nuôi nhốt trâu, bò, mình sẽ đảm bảo được nguồn thức ăn cho trâu, bò, giữ được vệ sinh môi trường, không còn phải lo chúng đi lạc, phá hoại hoa màu của bà con hoặc bị chết do dây quấn cổ”.

Thiếu tá Trần Thanh Vinh cho biết: “Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện tại, nhiều bà con đã biết cách thức chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước kia. Một số hộ đã biết trồng cỏ, làm chuồng trại chăn nuôi tập trung”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-tren-vung-cao-nam-giang-post479543.html
Zalo