Nhiều chủ đầu tư bất động sản bắt đầu 'làm mới' hàng cũ
Một số dự án bất động sản 'đắp chiếu' lâu năm do các vướng mắc pháp lý đang có dấu hiệu tái khởi động.
Mấy tuần qua, thị trường bất động sản xôn xao việc Dự án Gem Riverside (tên gọi mới là DXH Riverside, TP. Thủ Đức) của Tập đoàn Đất Xanh được tái khởi động. Dự án này từng được Đất Xanh mở bán từ năm 2018, nhưng do vướng mắc pháp lý nên phải dừng lại.
Đây là dự án trọng điểm mà Đất Xanh triển khai từ 6 năm nay. Thời điểm đó, Đất Xanh đã mở bán khoảng 1.000 sản phẩm, giá bán trung bình 37 - 40 triệu đồng/m2, nhưng sau đó đã tiến hành thu hồi khi dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu mật độ dân số và mật độ xây dựng lên 12 tháp, 3.175 căn hộ (quy hoạch ban đầu là 8 tháp, 2.100 căn hộ).
Giá bán mới của dự án chưa được công bố. Về tiến độ, DXH Riverside được kỳ vọng sẽ bắt đầu xây dựng từ quý I/2025, sau khi hoàn thành đàm phán với khách hàng cũ và đủ điều kiện mở bán trong quý II/2025, đem lại nguồn tiền cho doanh nghiệp trong 3 năm tới, với tổng doanh thu ước đạt 28.131 tỷ đồng, lợi nhuận ròng từ dự án ước khoảng 12.029 tỷ đồng.
Một dự án khác là khu căn hộ cao tầng NBB Garden III (quận 8, TP.HCM), sau 16 năm, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy theo đuổi cũng chính thức được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
NBB Garden III được quy hoạch trên khu đất có diện tích 81.550 m2; trong đó diện tích đất xây dựng là 19.087 m2, diện tích đất cây xanh, giao thông là 52.036 m2, diện tích đất công trình công cộng là 10.426 m2. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.706 tỷ đồng.
Được biết, Năm Bảy Bảy bắt đầu lập chủ trương đầu tư dự án này từ tháng 12/2007. Tuy nhiên, do các vướng mắc liên quan đến đất công xen kẹt, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội… nên không đáp ứng cơ sở pháp lý để được chấp thuận chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp cho biết, để có được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án NBB Garden III đã có không dưới 200 con dấu từ cơ quan chính quyền.
Ngoài 2 dự án trên, thị trường phía Nam thời gian qua cũng ghi nhận một số dự án bắt đầu tái khởi động như D-Homme (quận 6), D-Aqua (quận 8) và Lavida Plus (quận 7) ở TP.HCM; dự án Astral City (TP. Thuận An, Bình Dương); hay khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An)...
Hiện thị trường TP.HCM đang chờ đợi hàng loạt dự án tái khởi động sau khi được gỡ vướng tiền sử dụng đất trong quý IV này. Trong đó, dự án khu phức hợp thông minh Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) có nghĩa vụ tài chính dự kiến lên đến 16.000 tỷ đồng.
Với dự án này, liên tục trong các cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo phải tháo gỡ vướng mắc về nghĩa vụ tài chính để sớm triển khai, qua đó có thể thu ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng. “Những dự án lớn phải gỡ để thúc đẩy tiến độ chung, vừa thu được nghĩa vụ tài chính, vừa có đầu tư mới, từ đó kéo theo công ăn việc làm và phát triển các ngành khác”, ông Mãi nói.
Eco Smart City dự kiến có tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất 7,45 ha. Trong đó diện tích đất phát triển dự án hơn 5 ha để xây dựng các công trình thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng. Dự án được động thổ xây dựng vào tháng 9/2022, nhưng đã án binh bất động cho đến nay.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc tái khởi động các dự án bị đình trệ ở quãng thời gian trước đã, đang và sẽ được tiếp tục thúc đẩy nhờ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ lẫn khối doanh nghiệp tư nhân thông qua hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A). Theo quy định mới, nếu các chủ đầu tư để dự án “bất động” liên tục trong 48 tháng sẽ đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn, khiến các chủ đầu tư ý thức hơn và gấp rút với nỗ lực tái khởi động dự án.
Kế hoạch triển khai các dự án bất động sản bị bỏ hoang trước đây cũng được thúc đẩy khi cơn khát về nhà ở không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa. Đặc biệt, nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư mới, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động M&A, kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh nhiều dự án.
“Việc khôi phục các dự án bị đình trệ được coi là yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, để có thể tái khởi động thành công dự án không phải là điều đơn giản. Ngay cả khi những vướng mắc về pháp lý đã được gỡ, thì áp lực về tài chính cũng gây nhiều khó khăn với các doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến một số dự án lên kế hoạch hồi sinh, nhưng không thành công”, VARS nhấn mạnh.
Do vậy, VARS lưu ý, trong quá trình tái khởi động dự án bị đắp chiếu, các doanh nghiệp cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ. Trong nhiều tình huống, phải chấp nhận lãi ít, hòa vốn để đảm bảo xử lý dứt điểm các tồn đọng.
Nhìn vào danh mục các dự án tái khởi động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, điểm tích cực là đã có những dự án được phép huy động vốn lên đến 50%. Mặc dù đây chưa phải là giải pháp triệt để, nhưng đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
“Để giảm giá nhà, cần phải tăng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Muốn tăng nguồn cung thì phải giải quyết triệt để các dự án đang vướng mắc, tồn đọng. Nếu tháo gỡ được các dự án đó, thị trường sẽ có thêm hoàng trăm ngàn căn hộ mới”, ông Châu nói.