Nhiều chính sách đột phá đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Thông tin từ Tọa đàm 'Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới' diễn ra tại Hà Nội ngày 14-5 cho biết, nhiều chính sách mới sẽ được ban hành đảm bảo đủ hành lang pháp lý xây dựng các tuyến đường sắt mới.

Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ 24 chính sách, trong đó có 2 trụ cột quan trọng tạo lực đẩy tài chính cho các dự án là cơ chế khai thác quỹ đất dọc tuyến và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Đồng thời, có 6 chính sách được điều chỉnh liên quan bố trí vốn và thời gian, điều hành thi công. Trong đó, nhóm chính sách mới đề xuất cho phép sử dụng vốn ODA miễn thuế đối với một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù, và mở rộng hợp tác quốc tế.
Một thay đổi mang tính bước ngoặt nữa là việc trao quyền quyết định kỹ thuật tại công trường cho kỹ sư tư vấn, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài, thay vì phải chờ phê duyệt từng bước từ chủ đầu tư. Cơ chế này giúp tăng phản ứng nhanh, nhất là khi xử lý tình huống phát sinh, kết cấu thép hay vật liệu đặc biệt.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất áp dụng loại hợp đồng linh hoạt "theo công việc thực tế và đơn giá điều chỉnh" nhằm giảm thiểu rủi ro tranh chấp. Đây là bài học rút ra từ các dự án lớn như Sân bay Long Thành hay tuyến Metro số 3 Hà Nội. Một chính sách được quan tâm nữa là miễn trừ trách nhiệm cho người dám nghĩ, dám làm.
Thông tin từ tọa đàm cho biết, để doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia tích cực vào dự án, các gói thầu sẽ được thiết kế hợp lý, vừa mở cửa cho doanh nghiệp Việt, vừa tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật về đấu thầu.
Các doanh nghiệp trong nước bày tỏ mong muốn Nhà nước ưu đãi về mặt bằng, thuế và tín dụng khi đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông, xưởng chế tạo thiết bị đường sắt; thiết kế chính sách chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các hợp đồng EPC và PPP...