Nhiều cây cầu 'già cỗi' ở Nghệ An tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mưa bão

Sau sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (Phú Thọ), người dân khi lưu thông các cầu treo ở Nghệ An, cảm thấy bất an, nhất là vào mùa mưa bão, lũ lụt do những cây cầu này đã có hàng chục năm tuổi.

Cầu treo tại Sông Giăng, xã Thanh Phong được xây dựng gần 40 năm

Cầu treo tại Sông Giăng, xã Thanh Phong được xây dựng gần 40 năm

Những cây cầu treo bắc qua sông, suối được xem là phương tiện thiết yếu giúp người dân rút ngắn thời gian lưu thông, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay những chiếc cầu treo “già cỗi", lại đang là ẩn họa, nhất là mỗi mùa mưa lũ về.

Đơn cử, tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào 4 năm trước (năm 2020) tại cầu treo sông Giăng, nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh, xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 5 người rơi xuống sông tử vong.

Vụ tai nạn để lại nỗi ám ảnh và bất an cho người dân mỗi khi đi qua cầu. Đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối 10 xã với hàng vạn người dân của vùng Cát Ngạn và trung tâm huyện, nên hằng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại.

Năm 2020 đã có vụ tai nạn thương tâm tại Cầu Sông Giăng

Năm 2020 đã có vụ tai nạn thương tâm tại Cầu Sông Giăng

Tính đến nay, chiếc cầu này đã có tuổi đời gần 40 năm, sau nhiều năm sử dụng cầu treo sông Giăng đã có nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

Hay như tại huyện Tân Kỳ, hiện địa phương này có 4 cây cầu treo gồm Đò Rô, An Ngãi, Tân Thanh Hồng và Tiên Kỳ cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ông Vi Văn Quang - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tân Kỳ cho biết, 4 cây cầu treo trên đều được xây dựng cách đây hơn 15 năm, nên đã xuống cấp. Từ năm 2022, UBND huyện tiến hành tu sửa, bảo dưỡng cả 4 cây cầu. "Kinh phí cho việc duy tu sửa chữa có hạn, chỉ được sửa chữa khi có hư hỏng. UBND huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng nghiêm cấm xe có tải trọng đi qua, cấm người và phương tiện lưu thông khi có mưa bão", ông Quang chia sẻ.

Kinh hoàng nhất là vào tháng 3/2024 vừa qua, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu (Nghệ An) bất ngờ đổ sập. Theo đó, cầu treo Kẻ Nính được xây dựng vào năm 2011 với tổng kinh phí trên 24 tỉ đồng.

Cầu treo Kẻ Nính, xã Châu Hạnh bị sập đổ vào tháng 3/2024 do sụt lún

Cầu treo Kẻ Nính, xã Châu Hạnh bị sập đổ vào tháng 3/2024 do sụt lún

Nguyên nhân sập cầu được ngành chức năng xác định, do đất nền đường đầu cầu phạm vi dưới thanh neo bị sụt lún làm thanh neo phía hạ lưu mố neo M2 bị chuyển vị, gãy sập, làm dây cáp chủ kéo đỉnh trụ tháp phía hạ lưu mố M2 chuyển vị theo phương ngang, gây mất ổn định trụ tháp, làm sập toàn bộ nhịp treo của cầu.

Đó là một trong hàng chục cây cầu treo tại tỉnh Nghệ An hiện đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Qua đánh giá, các cầu treo ở Nghệ An hầu hết nằm trong những khu vực miền núi chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và có tuổi đời hàng chục năm. Các hạng mục đã rỉ sét, bào mòn, đứt gãy. Nên mỗi lần mưa lũ xuất hiện, người dân đi qua cầu đều có cảm giác lo sợ, bất an.

Zen Linh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhieu-cay-cau-gia-coi-o-nghe-an-tiem-an-nhieu-rui-ro-trong-mua-bao-post526041.html
Zalo