Nhiều cảm hứng từ hành trình chạy xe điện đi xuyên châu Phi
Vào Chủ nhật hôm 29.9, một chiếc mô tô điện kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời, đã bắt đầu hành trình dài 6.000 km từ Nairobi, Kenya đến Stellenbosch, phía tây Cape Town, Nam Phi.
Điểm đáng chú ý, chiếc xe có tên Roam Air được thiết kế và sản xuất tại châu Phi. Các nhà nghiên cứu từ Khoa kỹ thuật của Đại học Stellenbosch đã hợp tác với Roam, một công ty ở Nairobi, để thử nghiệm chiếc Roam Air vốn được sử dụng trong môi trường đô thị.
Thinus Booysen, người sáng lập Phòng thí nghiệm Truyền động Điện của đại học Stellenbosch, cho biết: “Điều thú vị đối với tôi là những gì chúng tôi đang làm nhận được hỗ trợ của những người cùng chí hướng ở châu Phi”.
“Đó có thể là điều kỳ lạ, khi lái xe từ Nairobi đến Cape Town, nhưng chúng tôi đang cố gắng gửi một thông điệp rằng di chuyển bằng xe điện là điều khả thi và có thể thực hiện với năng lượng xanh”.
Booysen cũng lo ngại rằng châu Phi đang tụt lại phía sau so với phần còn lại của thế giới và ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu xe từ Trung Quốc. Nhà chế tạo này nói: “Chúng ta đang nhập khẩu những chiếc xe không phù hợp với địa hình của mình; những chiếc xe không đáp ứng kỳ vọng của mình. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục nhập khẩu xe, chúng ta sẽ mất nền sản xuất. Vì vậy, đây là cách chúng ta muốn nói ‘Hãy chú ý nào, có một cách thay thế để làm điều này và thực hiện nó bằng năng lượng xanh’ mà không gây hại lưới điện và không phụ thuộc vào năng lượng bẩn”.
Chiếc mô tô điện, cùng với hai xe hỗ trợ, dự kiến sẽ đến Stellenbosch vào ngày 18.10. Cuộc hành trình này cũng nhằm hưởng ứng Tháng Giao thông ở Nam Phi.
Công ty Roam đã tặng hai chiếc mô tô điện cho phòng thí nghiệm để nghiên cứu và thử nghiệm. Booysen nói “Chúng tôi không thể nghĩ ra cách nào tốt hơn để khởi động sự hợp tác nghiên cứu này hơn là thử nghiệm luôn chiếc mô tô được tặng. Thực hiện điều đó trong cộng đồng châu Phi đầy sáng tạo là một vinh dự lớn”.
Nhìn về tương lai, đại học Stellenbosch và công ty Roam dự định phát triển và áp dụng nghiên cứu về xe điện và hệ sinh thái hỗ trợ, gồm chế tạo các loại xe điện, xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương và các chương trình thử nghiệm kỹ thuật số để lập kế hoạch cho giao thông đô thị bằng điện.
Masa Kituyi, người phụ trách sản phẩm mô tô điện tại Roam, cho biết: “Hành trình này cho thấy khả năng thiết kế và sản xuất tại chỗ các phương tiện điện hàng đầu thế giới cho điều kiện châu Phi ở Kenya. Đây là minh chứng cho sự đổi mới tại địa phương, khởi xướng các giải pháp giao thông bền vững”.
Kituyi và Stephan Lacock, một nghiên cứu sinh tiến sĩ và đồng nghiên cứu viên trong dự án, là hai người điều khiển chiếc mô tô trong hành trình xuyên châu Phi. Lacock nói “Điều quan trọng không phải là liệu chuyến đi như vậy có thể thực hiện được hay không, vì đã có nhiều chuyến đi tương tự trên thế giới, Quan trọng hơn là để trình diễn sự sáng tạo của châu Phi và sự hợp tác giữa Đại học Stellenbosch và Roam để vượt qua các điều kiện ở châu Phi bằng năng lượng mặt trời xanh”.
Về hành trình của cặp đôi Kituyi và Lacock từ Nairobi, Booysen cho biết: “Họ rất thích thú và đó thực sự là một trải nghiệm vừa thú vị, vừa hồi hộp. Nhưng tuyến đường chắc chắn an toàn. Họ thậm chí còn nói với tôi rằng họ chưa bao giờ cảm thấy an toàn như thế này, kể từ khi rời khỏi biên giới Nam Phi. Họ ngủ bên lề đường. Và chuyến đi thật đẹp. Phần hồi hộp nhất là khi vượt qua các biên giới với trang thiết bị đắt tiền”.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Stellenbosch cũng quan tâm đến hiệu suất của hệ truyền động và pin có thể thay thế, cũng như hiệu quả của giải pháp sạc năng lượng mặt trời.
Booysen cho biết mô tô điện đang phát triển mạnh ở châu Phi. “Nam Phi thực sự đang tụt lại phía sau. Có hàng chục nghìn mô tô điện ở hầu hết các thành phố lớn châu Phi. Chúng ta đang nói về Bénin, Togo, Nigeria, Kampala và Kigali”.
Booysen nhớ lại việc lái xe quanh Nairobi vào Chủ nhật, khi đường phố tràn ngập xe điện. “Những chiếc xe này đã chạy hàng nghìn km. Nó chắc chắn đang chiếm ưu thế vì mọi người nhận ra lợi ích, rõ ràng là lợi ích về chi phí khi sử dụng".
Nhà chế tạo này cho biết thêm: “Nhưng điều mà không ai đề cập đến là lợi ích về giảm ô nhiễm. Tôi không nói về biến đổi khí hậu; tôi đang nói về tình trạng bụi và hậu quả sức khỏe của việc hít phải bụi đó trong các thành phố châu Phi”.
Những thành phố này đang ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến tỷ lệ tử vong hằng năm cao. Booysen chia sẻ: “Từ góc độ so sánh, lượng khí thải nhà kính của châu Phi không cao như phần còn lại của thế giới nhưng về ô nhiễm, châu Phi đang đối mặt với một thách thức lớn. Đối với tôi, điều đó là một trong những lợi ích chính của việc chuyển sang xe điện”.
Nam Phi đang chậm chạp trong quá trình chuyển đổi sang giao thông điện, Booysen cho biết: “Tôi nghĩ Nam Phi đã bỏ lỡ cơ hội vì khi nói về điện là người ta nói về cắt điện và những loại thách thức đó. Chính sách của chúng ta đã đánh mất thời cơ trong việc chuyển sang giao thông điện và chuẩn bị cho sản xuất”.
Hơn 450.000 việc làm ở Nam Phi phụ thuộc vào ngành sản xuất phương tiện giao thông (phục vụ thị trường châu Phi). Booysen than thở: “Điều đó lẽ ra phải làm dấy lên một cảnh báo đỏ ngay khi các quốc gia tiêu thụ nói rằng họ không muốn xe chạy bằng xăng và dầu diesel nữa”.