Nhiều cách làm sáng tạo lan tỏa Luật Biên phòng Việt Nam

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 11/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, gồm 6 chương, 36 điều, nhấn mạnh vai trò của toàn dân và cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Trong nỗ lực đưa Luật BPVN đến gần hơn với cuộc sống người dân ở khu vực biên giới, thời gian qua, BĐBP Sóc Trăng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng xuống địa bàn phát tờ rơi tuyên truyền về Luật BPVN. Ảnh: Văn Long

Cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng xuống địa bàn phát tờ rơi tuyên truyền về Luật BPVN. Ảnh: Văn Long

Xây dựng kế hoạch bài bản, phối hợp đồng bộ

Tỉnh Sóc Trăng là địa bàn ven biển với đường bờ biển dài 72km, gồm nhiều xã, phường thuộc các thị xã và huyện ven biển như Vĩnh Châu, Trần Đề. Đặc biệt, khu vực này có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung, trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, việc tiếp cận các văn bản pháp luật còn bất cập. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân rất cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thượng tá Hà Huy Trường, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Sóc Trăng cho biết, để đưa Luật BPVN vào đời sống của người dân, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án “Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, BĐBP tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện đề án cấp tỉnh để triển khai Luật BPVN một cách đồng bộ và hiệu quả.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các tổ công tác của BĐBP đã trực tiếp đến tận các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển để tuyên truyền. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 2.000 cán bộ, nhân dân tại 11 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển tham gia.

Bên cạnh đó, hơn 10.000 tờ rơi đã được cấp phát, 15 phóng sự truyền hình được phát sóng và hơn 300 bài viết được đăng tải trên các nền tảng truyền thông đại chúng. Ngoài ra, các thông điệp tuyên truyền bằng hình ảnh, video, infographic được đăng tải thường xuyên trên các trang mạng xã hội của lực lượng Biên phòng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nhiều cách làm sáng tạo

Tại Sóc Trăng, các đồn Biên phòng đã linh hoạt sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, từ loa phát thanh tại các xã, sử dụng song ngữ (phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số) đến phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền tập trung tại nhà văn hóa, trường học, cảng cá. Đặc biệt, mô hình “Tiếng loa Biên phòng” đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành kênh thông tin trực tiếp, quan trọng, thiết thực của nhân dân. Chỉ với một chiếc xe máy cùng loa di động và USB được ghi sẵn các nội dung tuyên truyền, cán bộ Biên phòng có thể đến từng ngõ xóm để phổ biến thông tin pháp luật tới người dân.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền lưu động, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được tổ chức lồng ghép với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và các lễ hội văn hóa; trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở. Tại Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, nơi có hơn 50% dân số là đồng bào Khmer, những sáng kiến tuyên truyền như tổ chức các buổi nói chuyện bằng song ngữ hay lồng ghép tuyên truyền trong các sự kiện văn hóa, tín ngưỡng đã tạo ra hiệu quả rõ rệt.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên tại các đồn Biên phòng cũng được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Các cán bộ, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ tại địa phương, phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới thường xuyên tiếp xúc với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải thích rõ ràng các quy định, chính sách có liên quan. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa lực lượng BĐBP và người dân.

Từ những buổi tuyên truyền nhỏ lẻ đến các chương trình, hội nghị tập trung, sự phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP Sóc Trăng và chính quyền địa phương, cùng với sự hưởng ứng từ người dân đã tạo ra một sức mạnh tập thể trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển.

Thượng tá Hà Huy Trường cho biết: "Trong thời gian tới, BĐBP Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tuyên truyền Luật BPVN giai đoạn 2021-2025, kết hợp với sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tuyên truyền hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương mở thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đảm bảo chất lượng, sát với tình hình thực tế tại từng địa bàn".

Văn Long

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-cach-lam-sang-tao-lan-toa-luat-bien-phong-viet-nam-post484714.html
Zalo