Nhiều cách làm hiệu quả để xóa nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh Quảng Nam

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam dành hơn 242 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.495 hộ gia đình người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay đã phân bổ 152 tỷ đồng, hoàn thành xây mới và sửa chữa 5.953 nhà.

Hưởng ứng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã vận động xây dựng hàng ngàn nhà ở giúp hộ gia đình nghèo, khó khăn có được căn nhà ở kiên cố. Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam dành hơn 242 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.495 hộ gia đình người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 152 tỷ đồng, hoàn thành xây mới và sửa chữa 5.953 nhà, đạt gần 54,4% kế hoạch.

Chị Hồ Thị Hạnh, dân tộc Ca Dong trong căn nhà mới khang trang

Chị Hồ Thị Hạnh, dân tộc Ca Dong trong căn nhà mới khang trang

Giữa mùa đông giá rét, chị Hồ Thị Hạnh, người dân tộc Ca Dong ở thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam được bàn giao căn nhà mới. Khó có thể tả hết niềm vui, hạnh phúc của người phụ nữ neo đơn này. Sau khi ly hôn, một mình nuôi 4 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, mẹ con chị Hạnh phải ở trong ngôi nhà lợp tôn đã xuống cấp, dột nát. Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Hạnh chênh vênh bên sườn núi, mỗi khi có mưa, bão, cả nhà dìu dắt nhau đến trụ sở UBND xã trú tránh.

Chính quyền địa phương xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Chính quyền địa phương xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo.

Để lo bữa ăn và có tiền nuôi con học hành, hàng ngày, chị Hồ Thị Hạnh lên rừng bóc keo thuê; ngày có việc thì kiếm được 150.000 đồng, ngày không có việc thì hái rau, kiếm củi. Cuộc sống quá khó khăn, cái nghèo cứ đeo bám, ước muốn có được một ngôi nhà kiên cố là điều quá xa vời. Tháng 10 năm nay, chị Hạnh được hỗ trợ 60 triệu đồng làm nhà theo quy định tại Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam.

Ông Hồ Văn Úc trong ngôi nhà mới được hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam

Ông Hồ Văn Úc trong ngôi nhà mới được hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Nam

Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, bà con xóm làng đến giúp ngày công, chị Hồ Thị Hạnh vay mượn thêm làm được căn nhà kiên cố: “Cám ơn Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhà này được hỗ trợ theo Nghị quyết 13. Hàng ngày đi làm thuê vừa đủ tiền mua gạo cho mấy đứa nhỏ ăn. Có nhà ở vui lắm, giờ yên tâm đi làm ăn. Tết năm nay có nhà mới ở mẹ con chúng tôi cũng an tâm. Có 4 đứa con, 2 vợ chồng ly hôn không có nhà ở nên làm nhà tôn mùa mưa bão về gió bay, giờ Nhà nước quan tâm có nhà ở che nắng, che mưa tôi rất vui mừng”.

Không chỉ gia đình chị Hồ Thị Hạnh mà 33 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn là đồng bào dân tộc Ca Dong tại xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức đã được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông Hồ Văn Úc, dân tộc Ca Dong ở xã Phước Gia nói, Tết năm nay, ông rất vui mừng được về ở trong nhà mới. Nếu không có sự giúp sức của Nhà nước, chính quyền địa phương, cả đời ông Út không dám mơ đến có ngôi nhà che mưa, che nắng: “Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm nhà kiên cố. Tết nay gia đình đón Tết trong nhà mới rồi. Tôi cám ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cấp ủy chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể đã hỗ trợ gia đình tôi về vật chất, ngày công".

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (người thứ 5 từ phải qua) cùng nhà tại trợ bàn giao nhà cho hộ nghèo tại huyện Hiêp Đức.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (người thứ 5 từ phải qua) cùng nhà tại trợ bàn giao nhà cho hộ nghèo tại huyện Hiêp Đức.

Xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức có 340 hộ, đồng bào dân tộc Ca Dong chiếm đến 87%, tỷ lệ hộ nghèo còn 14%. Theo ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương có sức lan tỏa rất lớn. Đến nay, địa phương đã hỗ trợ xây mới 33 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tiêu chí "3 cứng" (cứng nền, cứng tường và cứng mái).

“Trong quá trình tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà cho hộ dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Mặt trận, các hội đoàn thể quan tâm giúp đỡ hộ dân làm nhà. Có một số nhà xây dựng theo định hướng của xã, xây dựng với kết cấu chống bão. Khi được hỗ trợ làm nhà người dân rất vui mừng phấn khởi khi có nhà mới. Đây là điều kiện căn bản nhất để người dân ổn định về nhà ở, yên tâm lao động sản xuất”, ông Nguyễn Thành Liêm cho hay.

Họp Ban chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát (Ảnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cung cấp)

Họp Ban chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát (Ảnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cung cấp)

Đến thời điểm này, huyện Hiệp Đức là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để đảm bảo tiến độ và xây dựng nhà ở phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát từng hộ gia đình, thiết kế các mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, phong tục tập quán của người dân. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ về chất lượng, tiến độ thi công, đảm bảo tính bền vững và an toàn. Đến nay, địa phương này đã xây dựng xong 151 nhà ở tặng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách chi theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quang Nam hỗ trợ là hơn 1,5 tỷ đồng, còn lại địa phương huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp.

Ông Huỳnh Hữu Cường, Trưởng Ban Dân Vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là ổn định nhà cửa, nhiều năm qua, huyện Hiệp Đức dành phần lớn nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phòng chống thiên tai. Huyện Hiệp Đức có 3 xã vùng cao, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa phần, họ khó khăn về nhà ở nhưng chúng tôi vận động từ xã vùng dưới hỗ trợ xã vùng trên và vận động các doanh nghiệp đóng góp thêm từ 50 triệu đồng trở lên để xây ngôi nhà khang trang hơn. Đến giờ này theo Nghị quyết 13 thì chúng tôi đã hoàn thành chủ trương xóa nhà tạm, hiện nhà dột nát không còn. Chúng tôi tổ chức lễ nghiệm thu, bà con rất vui mừng. Người dân có nhà mới họ rất vui và phấn đấu làm giàu”.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam dành hơn 243 tỷ đồng hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho 10.945 hộ gia đình người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ và hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa là 30 triệu đồng/nhà. Tỉnh Quảng Nam đã phân bổ hơn 152 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng và sửa chữa 5.953 nhà, đạt gần 54,4% kế hoạch.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Đến nay nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát: “Vừa qua Thủ tướng Chính phủ phát động mạnh mẽ phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cả nước. Chúng tôi xây dựng một kế hoạch chi tiết cụ thể và thành lập Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chúng tôi tổ chức triển khai kế hoạch này cố gắng đến cuối năm 2025 hoàn thành xóa xong nhà tạm, xem đây một trong sản phẩm để chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ 23 của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam”.

Tết năm nay, hàng ngàn hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam có thêm niềm vui được ở trong những ngôi nhà mới. Có nhà ở kiên cố không chỉ giúp người nghèo, cận nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn thắp sáng niềm hy vọng trên hành trình xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Tuyết Lê/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-cach-lam-hieu-qua-de-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-o-tinh-quang-nam-post1143512.vov
Zalo