Nhiều cách làm hay của Công an xứ Dừa vì bình yên của người dân
Với tinh thần 'xây dựng điển hình, học tập điển hình, bắt kịp điển hình và vượt qua điển hình', toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 70 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) phát huy hiệu quả, được nhân rộng.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre quán triệt sâu sắc đến Công an các đơn vị, địa phương việc lấy kết quả công việc, sự hài lòng tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí, thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Ấn tượng từ… cửa ngõ
Được xem là địa bàn cửa ngõ của xứ Dừa, huyện Châu Thành hiện là nơi tập trung khá nhiều điểm du lịch sinh thái sông nước, gắn với các hoạt động trải nghiệm, thưởng thức cây trái - ẩm thực miệt vườn, nhất là các xã nằm cặp theo bờ sông Tiền, như: Quới Sơn, Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc, Phú Đức và Tân Phú. Khi đến đây, du khách thật sự ấn tượng và cảm giác thỏa thích khi được du ngoạn trên sông, đặt chân lên các cồn: Long, Lân, Quy, Phụng; tự tay hái những loại trái cây đặc sản nổi tiếng, thưởng thức các món ăn dân dã đậm nét Nam Bộ; tận mắt quy trình làm kẹo và các sản phẩm khác từ dừa; nghe đờn ca tài tử…
Đến Châu Thành, du khách còn cảm nhận về sự yên bình của một vùng quê ở xứ Dừa. Bước chân theo những con đường được bê tông hóa liền mạch ngày càng dài thêm, xuyên qua những vườn dừa và cây ăn trái trĩu quả. Đây là kết quả của sự đồng lòng, nỗ lực, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, gắn với nhiều phong trào thiết thực khác, trong đó có phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ mà lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.
Thượng tá Trần Quốc Dân, Trưởng Công an huyện Châu Thành phấn khởi cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 36 mô hình hoạt động hiệu quả, đóng góp rất tích cực vào công tác đảm bảo ANTT của địa phương. Chẳng hạn như mô hình “Camera an ninh” đã giúp lực lượng Công an theo dõi, quản lý các mục tiêu, địa bàn, cũng như cung cấp thông tin, tài liệu để làm rõ nhiều vụ việc liên quan đến ANTT. Còn mô hình “Tuyến đường ánh sáng an ninh” đã mang lại ánh sáng, hạn chế tai nạn giao thông và tội phạm, tệ nạn xã hội trên các tuyến đường nông thôn; mô hình “Tiếng loa an ninh” mang lại thông tin tuyên truyền đến từng ngõ, từng hộ gia đình ở những khu vực xa trung tâm xã, nơi mà hệ thống loa truyền thanh không phát đến được...
Đặc biệt, với mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp trên đường ĐX02 xã An Phước” của Công an xã An Phước xây dựng, được UBND huyện công nhận cách nay 2 năm đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện nói chung, vùng giáp ranh Khu công nghiệp (KCN) Giao Long nói riêng.
Theo lãnh đạo Công an huyện Châu Thành, mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp trên đường ĐX02 xã An Phước” gắn với camera an ninh và trồng hoa ven 2 bên tuyến đường, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ gần cuối năm 2020, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Do khi đưa tuyến đường vào sử dụng, được sự đồng tình ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân nên năm 2022, Công an xã tiếp tục chủ trì phối hợp với MTTQ cùng nhiều tổ chức, ban, ngành tham mưu Đảng ủy xây dựng kế hoạch, thành lập Ban vận động, tiến hành đăng ký cấp tỉnh xây dựng mô hình; lắp đặt camera trên tuyến đường này.
Với mô hình này, Công an An Phước được tỉnh tặng Giấy khen vì thành tích “Mô hình Dân vận khéo, xuất sắc tiêu biểu 2022”; đặc biệt, giữa năm 2023, được công nhận mô hình cấp tỉnh.
Hôm về miệt vườn An Phước, chúng tôi được nghe người dân kể, trước đây, ở các ấp của xã, nhất là khu giáp ranh của KCN Giao Long, tình trạng trộm cắp tài sản hay một số thanh, thiếu niên tụ tập gây mất ANTT vẫn thường xảy ra, nhất là vào ban đêm. Thế nhưng kể từ khi mô hình này ra đời, tình trạng trên giảm rõ rệt.
“Đường có đèn sáng sủa không chỉ thuận tiện cho người tham gia giao thông vào ban đêm mà còn góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm, trong đó có các… “cẩu tặc”. Việc xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp trên đường ĐX02” là chủ trương hợp lòng dân. Qua đó, càng cho thấy ý thức và trách nhiệm của bà con đối với công tác đảm bảo ANTT, góp phần hình thành nên các địa bàn dân cư, điểm đô thị bảo đảm được các tiêu chí...”, Trung tá Nguyễn Hồng Thiện, Trưởng Công an xã An Phước cho biết thêm.
Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo
Với tinh thần “xây dựng điển hình, học tập điển hình, bắt kịp điển hình và vượt qua điển hình”, trong năm 2023, Công an Bến Tre đã nhận hơn 10 mô hình và nhiều cá nhân điển hình; nâng chất hơn 20 mô hình, cá nhân điển hình Dân vận khéo. Toàn tỉnh hiện có trên 70 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát huy hiệu quả, được phổ biến, nhân rộng, như mô hình “Tiếng loa an ninh”, “Camera an ninh”, “Tổ phòng, chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép”, “CLB cơ sở kinh doanh lưu trú an toàn về ANTT”, “Tăng cường kết nối, tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận thông tin phòng, chống tội phạm qua Zalo”…
Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre quán triệt sâu sắc đến Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện việc lấy kết quả công việc, sự hài lòng tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng, “thước đo” để đánh giá chất lượng tập thể và bình xét cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ công tác.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng và “gần dân, trọng dân, hiểu dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”, tại trụ sở làm việc, Công an các đơn vị, địa phương đã lắp đặt hộp thư góp ý, thông báo công khai số điện thoại trực ban, đường dây nóng để lắng nghe ý kiến đóng góp, những tâm tư nguyện vọng của nhân dân; qua đó, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong CBCS về ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, lễ tiết, tác phong làm việc…
Là lực lượng xung kích, tuyến đầu trên các mặt công tác với khẩu hiệu: “Lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”, Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Công an tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Thanh niên Công an Bến Tre học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy - Xung kích, sáng tạo, lập công vì ANTQ”.
Qua hơn 10 triển khai thực hiện, tuổi trẻ Công an Xứ Dừa đã nêu cao bản lĩnh cách mạng trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu. Với tinh thần “Hết việc chứ không hết giờ”, tuổi trẻ Công an toàn tỉnh đã xung kích, tình nguyện làm thêm ca, thêm giờ, đảm nhận nhiệm vụ ngoài chuyên môn khi có yêu cầu…
Thượng úy Cao Anh Khoa, Phó trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Bến Tre cho biết, thực hiện phương châm “Lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”, tuổi trẻ Công an tỉnh nhận thức rằng, hình ảnh người chiến sĩ CAND không chỉ mưu trí, dũng cảm trên trận tuyến giữ gìn ANTT mà còn gần gũi, trách nhiệm với nhân dân trên các mặt công tác, phong trào khác.
“Chính từ nhận thức này mà hàng năm, ĐVTN Công an Bến Tre đã tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa, thực hiện “ba cùng, bốn cùng” với người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh - tế xã hội địa phương.
Nhiều cách làm, mô hình hay đã được tuổi trẻ Công an toàn tỉnh phát huy, quyết tâm giữ vững trong sạch địa bàn”, Thượng úy Cao Anh Khoa chia sẻ thêm và cho biết, điển hình như mô hình “Tăng cường lực lượng phòng, chống khai thác cát trái phép” của Chi đoàn CSND; các công trình “Sổ tay Tố tụng hình sự” của Chi đoàn CSND 1; “Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng” của Chi đoàn Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; “Tuyên truyền pháp luật trong thanh thiếu niên” của Đoàn cơ sở CSGT hay công trình “Tiếng loa an ninh” của Chi đoàn khối Xây dựng lực lượng Công an tỉnh;…