Nhiều ca nhập viện bất thường, Thái Nguyên điều đội cấp cứu ứng trực
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản yêu cầu ngành y tế, các địa phương thực hiện chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.
Theo đó, hiện là thời điểm học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên đến tựu trường, nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm đang nổi như: Bạch hầu, sởi, tay chân miệng, đậu mùa khỉ và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nâng cao tinh thần cảnh giác và tăng cường chỉ đạo sát sao trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 4847/BYT-DP ngày 19/8/2024 và của UBND tỉnh tại Công văn số 4784/UBND-KGVX ngày 26/8/2024 về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.
Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên giám sát chặt chẽ các ca bệnh, không để dịch lây lan trong cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình, có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra... Chỉ đạo tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh...
Trước đó, như báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, những ngày qua, tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, một số học sinh sống tại ký túc xá của Trường có biểu hiện ốm, sốt, đau đầu đã được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Trong đó có em V.M.C., sinh năm 2008, ở xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, ngày 29/8 có biểu hiện đau bụng, nôn, được nhập viện lúc 20h. Đến 7h45 ngày 30/8, em C. rơi vào tình trạng lơ mơ, hôn mê được chẩn đoán theo dõi viêm màng não, viêm túi mật, polip túi mật.
Chiều 30/8, em C. có biểu hiện viêm cơ tim cấp nên được chỉ định mở nội khí quản, lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, được chẩn đoán chuyển hóa, suy đa tạng, suy tim cấp. viêm cơ tim, viêm gan B, tiên lượng rất xấu. Đến 12h30 ngày 31/8, gia đình đã xin cho em C. về nhà.
2 trường hợp khác cũng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Trong đó, một em có hiểu hiện đau bụng, tức ngực, sốt nhẹ nhập viện sáng 1/9, sau đó gia đình đã xin chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Còn một em nhập viện sáng 2/9, có biểu hiện co giật, đã được điều tra, lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bạch hầu và viêm màng não. Hiện chưa có kết quả, sức khỏe của hai em ổn định, tự ăn uống, đi lại được.
Đến chiều tối 2/9, có thêm 10 học sinh khác của Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên có một hoặc một vài biểu hiện như sốt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn cũng đã được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để theo dõi, điều trị. Test nhanh cúm A/B, cả 10 em đều âm tính, không thấy hình ảnh bất thường trên phim chụp X-Quang, các xét nghiệm khác chưa có kết quả. Hiện, sức khỏe của 10 em đều ổn định, tinh thần tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Do chưa có kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp nên hiện ngành Y tế Thái Nguyên chưa xác định được đây có phải là dịch bệnh truyền nhiễm hay không, xong các biện pháp phòng ngừa đã được triển khai kịp thời.
Sở Y tế, CDC Thái Nguyên và Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên tổ chức các biện pháp phòng ngừa tại Nhà trường, theo dõi sức khỏe và chăm sóc các điều kiện sinh hoạt cho học sinh.
Trung tâm Y tế TP Thái Nguyên đã điều Đội cấp cứu cơ động gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, xe cấp cứu, cùng thuốc và các phương tiện cấp cứu ứng trực tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên để hỗ trợ học sinh trong các trường hợp có diễn biến mới.
Viết Bảo / Sức Khỏe & Đời Sống