Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được nâng cấp đảm nhận chức năng vùng

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, nâng cấp một số bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu cho người dân tại từng vùng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ y tế chuyên sâu.

Bệnh viện sản nhi Nghệ An không ngừng phấn đấu trở thành bệnh viện vùng trong lĩnh vực sản khoa và nhi khoa. Trong ảnh: chăm sóc trẻ sơ sinh (Ảnh: Thành Châu).

Bệnh viện sản nhi Nghệ An không ngừng phấn đấu trở thành bệnh viện vùng trong lĩnh vực sản khoa và nhi khoa. Trong ảnh: chăm sóc trẻ sơ sinh (Ảnh: Thành Châu).

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong vùng, đảm nhận vai trò ứng phó cấp vùng khi có dịch bệnh, thảm họa. Định hướng phân bố không gian các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng như sau: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang); Vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng); Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa); Vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk); Vùng Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh); Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang).

Bên cạnh đó, nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh thành bệnh viện đảm nhận chức năng vùng về ung bướu, tim mạch, sản/sản - nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu; hình thành một số trung tâm huyết học - truyền máu, trung tâm ghép tạng tại một số địa phương. Đối với những vùng chưa có hoặc khó khả thi trong việc phát triển bệnh viện chuyên khoa, ưu tiên phát triển các trung tâm chuyên khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh.

Dự kiến sẽ có 20 bệnh viện đa khoa tỉnh được nâng cấp lên bệnh viện vùng; bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng trung du và miền núi phía bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh nâng cấp đảm nhận chức năng bệnh viện vùng.

Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở y tế được xác định theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế thông qua phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật cấp chăm sóc chuyên sâu, trong đó một số bệnh viện được phát triển bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.

Dự báo của Bộ Y tế cho thấy, nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.

Đáng chú ý, bên cạnh mạng lưới các bệnh viện công lập, quy hoạch này cũng định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám, chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân. Theo đó, mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

(Theo nhandan.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202412/nhieu-benh-vien-tuyen-tinh-se-duoc-nang-cap-dam-nhan-chuc-nang-vung-1029297/
Zalo