NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Kết quả làm việc giữa Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành, đơn vị cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có một điểm chung là các đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong mỗi cơ quan, đơn vị và người lao động.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các Bộ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với các Bộ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”

Một trong những mục đích nêu trong Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023” là xem xét việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn được xác định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; các văn kiện có liên quan của Đảng và quy định của pháp luật. Qua giám sát cho thấy, nhiều bộ, ngành, đơn vị đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng hiệu quả, tạo chuyển biến trên thực tế. Trong đó, có một điểm chung là các đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong mỗi cơ quan, đơn vị và người lao động.

Quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, vận dụng các quy định phù hợp với tình hình thực tế

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, Bộ đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ đảm bảo đúng quy định và vượt mục tiêu theo kế hoạch của Nghị quyết số 19-NQ/TW (giảm mạnh đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập). Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 57 đơn vị, giảm 10 đơn vị so với thời điểm tháng 10/2017, đạt tỷ lệ 14,93%.

Việc quản lý, sử dụng biên chế được cấp có thẩm quyền giao được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, giai đoạn 2022-2026 đã giảm 31,74% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 (vượt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW là giảm 10%)…

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thực hiện, đó là Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định đây là công việc khó nên phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, chủ động, sáng tạo vận dụng các quy định của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế tại Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp.

Tăng cường phân cấp, giao quyền tực chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập; phát huy sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi cá nhân đi đôi với làm tốt công tác khen thưởng, động viên và kỷ luật, kỷ cương công vụ. Kiên định với mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo; chủ động công tác truyền thông để xã hội hiểu, chia sẻ, đồng thuận về những chủ trương, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc

Cùng với đó, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đề ra, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; thực hiện nghiêm nguyên tắc cấp ủy trực tiếp, thống nhất chỉ đạo tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra là các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kịp thời phù hợp với đặc điểm của tổ chức, hoạt động của từng loại hình đơn vị sự nghiệp. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải dựa trên nguyên tắc hiệu lực và hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp; đồng thời kịp thời sơ kết, tổng kết nhằm nhân rộng mô hình điển hình, cách làm hay gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện thể chế đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tiễn.

Ưu tiên xây dựng đồng bộ hệ thống thể chế, tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ cho thấy, đã giảm 37,5% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, vượt mục tiêu thu gọn đầu mối, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đặt ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Việc quản lý, sử dụng số biên chế tại Bộ Nội vụ bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về tinh giản biên chế bảo đảm chặt chẽ, khách quan và đúng quy định. So với năm 2015, Bộ Nội vụ đã giảm 47,2% biên chế sự nghiệp hưởng hương từ ngân sách nhà nước, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, bài học kinh nghiệm rút ra đó là công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải chủ động, quyết liệt, thống nhất trong các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của viên chức, người lao động.

Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ hệ thống thể chế, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW và chính sách, pháp luật của nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy và tổ chức bên trong của từng đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, đồng thời cần có tính kế thừa về kết quả thực hiện nhiệm vụ, thực trạng nhân lực gắn với đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; có tính toán kỹ lưỡng và lộ trình phù hợp để sau khi sắp xếp lại, đơn vị sự nghiệp công lập tăng cường được năng lực và hiệu quả trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đổi mới mô hình quản lý. Tích cực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng cơ chế áp dụng phương thức quản trị hiện đại, tạo sự năng động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập…

Sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phải lấy hiệu quả làm thước đo

Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 31/12/2023, số đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ giảm 17,53% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra. Số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp chưa tự đảm bảo chi thường xuyên đã giảm mạnh, đặc biệt là giảm số người làm việc hưởng lương ngân sách so với năm 2015 là 77,5%.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, để đạt được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành, Ban Cán sự đảng bộ, các cấp ủy đảng và phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Có chương trình hành động cụ thể, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân, thực hiện có hiệu quả; xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và những trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để tham nhũng, tiêu cực...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa

Kết quả triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy: Giai đoạn 2018-2023, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 13 đơn vị (tương ứng giảm với tỷ lệ 13,8%) và giảm 395 phòng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ (tương ứng giảm với tỷ lệ 35,8%), đảm bảo tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu của Trung ương và Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, có được kết quả này là nhờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương rà soát, sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ để công chức, viên chức, người lao động nhận thức rõ tính cấp thiết và hiệu quả của việc sắp xếp các đơn vị, nhằm tạo sự yên tâm, tin tưởng, đồng thuận và thống nhất cao trong tổ chức thực hiện.

Huy động sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tạo khối đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể. Xây dựng kế hoạch thời gian cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.

Tiến hành rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phù hợp nhằm phát huy được năng lực của từng người, từng vị trí, không phân biệt nhân sự giữa hai đơn vị mà phải lấy hiệu quả làm thước đo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thường xuyên tổ chức giao ban, nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong sắp xếp cán bộ, chế độ chính sách, nề nếp làm việc và những tồn đọng, chuyển tiếp sau khi sáp nhập.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87793
Zalo