Nhiều ấn tượng tại Giải Half-marathon 'Tự hào Tổ quốc tôi' năm 2025
Các cuộc tranh tài chính thức của Giải Half-marathon 'Tự hào Tổ quốc tôi' lần 2 năm 2025 diễn ra vào sáng 13.4 tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã kết thúc thành công ngoài mong đợi và để lại nhiều ấn tượng.
Những cuộc tranh tài tại giải đã đọng lại nơi các chân chạy phong trào và chuyên nghiệp những cảm xúc vô bờ bến về hoạt động thể thao rất có ý nghĩa giữa những ngày tháng Tư lịch sử.

Báo Người Lao Động đã trao 5.000 lá cờ để huyện Bình Chánh thực hiện các “tuyến đường cờ Tổ quốc” tại địa phương
Giải Half-marathon “Tự hào Tổ quốc tôi” lần 2 năm 2025 với cung đường thi đấu chính nằm trên địa bàn hai xã Tân Nhựt và Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM), nơi có các địa danh lịch sử nổi tiếng là Khu di tích Láng Le - Bàu Cò, Khu truyền thống cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng với danh thắng văn hóa Học viện Phật giáo Việt Nam (cơ sở 2 tại TP.HCM).
Tại sự kiện, Báo Người Lao Động đã trao 5.000 lá cờ để huyện Bình Chánh thực hiện các “tuyến đường cờ Tổ quốc” tại địa phương.
Đây là một phần trong hợp phần “Đường cờ Tổ quốc” thuộc chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” do Báo Người Lao Động thực hiện 6 năm qua, đã trao và ký kết trao tổng số hơn 2,2 triệu lá cờ đến chiến sĩ và nhân dân nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.

Ban tổ chức trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bình Chánh
Cũng nhân dịp này, chương trình “Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo” của Báo Người Lao Động đã trao tặng 90 suất hỗ trợ học tập (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại địa bàn huyện Bình Chánh.
Giải đấu diễn ra thành công với đánh giá cao về chuyên môn lẫn chất lượng đường chạy, như nhận xét của hầu hết các VĐV phong trào lẫn chuyên nghiệp.

Giải quy tụ đông đảo các chân chạy phong trào lẫn chuyên nghiệp
Tất cả cùng mong mỏi giải đấu sẽ tiếp tục được diễn ra vào các năm sau với công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, thu hút đông đảo VĐV từ nhiều tỉnh thành trên cả nước về tham dự, góp phần phát triển phong trào chạy bộ tại Việt Nam.
Khoảng 2.300 chân chạy phong trào và chuyên nghiệp, trong cũng như ngoài nước yêu thích loại hình chạy cộng đồng với mục tiêu khám phá những giới hạn của bản thân.
Những tuyến đường nông thôn mới được trải bê tông hoặc tráng nhựa khang trang, rộng rãi đã hồ hởi đón chào bước chân hàng nghìn VĐV.

Giải đấu đã mang lại những trải nghiệm bổ ích cho các VĐV
Chân chạy 21 tuổi Lý Toàn Phát Dĩ (Đồng Nai) về nhất cự ly 6km nam sau 19 phút 59 giây. Về sau chàng trai này là Nguyễn Trung Hiếu và Đàng Quốc Tuyên.
Trên đường chạy nữ, Trương Hồng Uyên, Phan Tiểu Loan và Susan Trần (Trần Thị Đoan Trang) chia nhau ba vị trí nhất, nhì và ba.
Chân chạy Trương Văn Hiếu về đích trước tiên ở cự ly 11km nam với thành tích 38 phút 09 giây, nhanh hơn cỡ 40 giây so với chân chạy lừng danh Lê Hữu Lộc và bỏ xa người về thứ ba Châu Hoàng Ngân khoảng 3 phút.

Tuyển thủ quốc gia Nguyễn Khánh Ly về nhất cự ly 11km nữ
Trên đường chạy 11km nữ, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Khánh Ly về nhất sau 47 phút 29 giây, về thứ nhì và ba là Cao Thị Thanh Thúy (48 phút 56 giây) và Ngô Hồng Thủy (58 phút 23 giây).
Trên đường chạy 21km, ba VĐV về đích trước tiên ở cự ly dành cho nam là Nguyễn Văn Chính (1 giờ 23 phút 58 giây), Nguyễn Đăng Khoa (1 giờ 28 phút 07 giây) và Phạm Quang Lưu (1 giờ 29 phút 06 giây).
Ba chân chạy nữ giành thứ hạng cao nhất cự ly 21km là Lê Thị Hà (Bình Phước, 1 giờ 34 phút 54 giây), Hồ Minh Trang Nhã (Agrirun, 1 giờ 44 phút 56 giây) và Nguyễn Thị Nga (1 giờ 46 phút 20 giây).

Nguyễn Văn Chính về nhất cự ly 21km nam
Giải thưởng dành cho VĐV đạt thành tích cao nhất ở cự ly 21km là 11 triệu đồng, 8 triệu đồng, 5 triệu đồng.
Ở cự ly 11 km, 3 chân chạy về đích trước tiên sẽ nhận thưởng 8 triệu đồng, 5 triệu đồng và 3 triệu đồng.
Phần thưởng dành cho top 3 của cự ly 6 km lần lượt là 5 triệu đồng, 3 triệu đồng và 2 triệu đồng.