Nhiệt độ cao hạn chế lao động ngoài trời

Biến đổi khí hậu đang buộc các doanh nghiệp phải hy sinh năng suất để đảm bảo an toàn trong các ngành công nghiệp từ xây dựng đến vận tải.

Một nhân viên bảo vệ làm việc dưới trời nắng tại Akasaka-Mitsuke, Tokyo. Nguồn: Japan Times.

Một nhân viên bảo vệ làm việc dưới trời nắng tại Akasaka-Mitsuke, Tokyo. Nguồn: Japan Times.

Rủi ro phức tạp

Đối với những người lao động ở Nhật Bản không được hưởng lợi nhiều từ không gian có máy lạnh như: thợ xây, nhân viên giao hàng, nông dân và nhiều người khác, ngay cả một loạt các tiện ích như áo khoác quạt làm mát cũng không đủ để giúp họ kiên trì qua mùa hè ngày càng nóng bức. Điều đó khiến các doanh nghiệp rơi vào thế khó khi phải cố gắng cân bằng giữa năng suất và sự an toàn.

Khi biến đổi khí hậu mang đến những mùa hè ngày càng nóng cho Nhật Bản, những người làm việc ngoài trời hoặc ở môi trường trong nhà nóng bức có nguy cơ bị căng thẳng do nhiệt độ cao, có thể gây ra đau đầu, buồn nôn, chóng mặt và đau cơ, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Các trường hợp say nắng nghiêm trọng có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.

Năm 2023, Nhật Bản chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trên khắp cả nước và tháng 7 năm nay đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình hàng ngày cao nhất trong tháng 7 trong năm thứ hai liên tiếp. Và xây dựng không phải là ngành duy nhất phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng do nhiệt độ khắc nghiệt.

Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản, kể từ năm 2017, đã có khoảng 500 đến 1.200 trường hợp say nắng nghề nghiệp hàng năm, bao gồm trung bình khoảng 24 trường hợp tử vong mỗi năm. Gần đây nhất, năm 2023 đã chứng kiến 1.106 trường hợp say nắng, trong đó có 31 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, số ca thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu chính thức.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như tuổi cao, quốc tịch nước ngoài, thiếu kinh nghiệm và áp lực phải hoàn thành công việc đúng tiến độ có thể khiến người lao động bỏ qua các dấu hiệu căng thẳng do nhiệt hoặc cố gắng vượt qua chúng.

Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, đến năm 2030, hơn 2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới có thể bị mất mỗi năm do nhiệt độ tăng cao. Tại Nhật Bản, biến đổi khí hậu đang buộc các doanh nghiệp phải hy sinh năng suất để đảm bảo an toàn vì các chuyên gia, người ủng hộ lao động và ngày càng nhiều nhà tuyển dụng thừa nhận rằng, biện pháp đối phó hiệu quả nhất với say nắng là dừng công việc khi điều kiện trở nên nguy hiểm.

Ngoài xây dựng, các ngành công nghiệp khác có số ca say nắng cao bao gồm: sản xuất, an ninh, thương mại và vận tải. Số ca say nắng chính thức được tổng hợp dựa trên các báo cáo bắt buộc về tai nạn lao động được nộp cho Văn phòng Kiểm tra Tiêu chuẩn Lao động. Tuy nhiên, có khả năng nhiều trường hợp không được báo cáo.

Bà Makoto Iwahashi, một thành viên của tổ chức phi chính phủ về lao động Posse cho biết, việc báo cáo một trường hợp say nắng đòi hỏi sự hợp tác của người sử dụng lao động (ví dụ về mặt thu thập bằng chứng), nhưng họ có thể không muốn cung cấp bằng chứng, đặc biệt là nếu tình trạng căng thẳng do nhiệt của nhân viên trầm trọng hơn do điều kiện làm việc kém.

Ông Shoko Kawanami - Giám đốc Trung tâm đào tạo sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học Sức khỏe môi trường nghề nghiệp cho biết, ngoài ra, những người tự kinh doanh không phải báo cáo tai nạn lao động. "Hầu hết nông dân đều tự kinh doanh, vì vậy một số trường hợp có thể không được phản ánh" – ông Kawanami nói.

Quá nóng để làm việc

Người lao động và người sử dụng lao động có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để chống lại tình trạng căng thẳng do nhiệt. Ông Kawanami nêu bật 3 biện pháp đối phó có thể thực hiện ngoài việc ngừng hoàn toàn công việc.

Đầu tiên và hiệu quả nhất là cải thiện môi trường làm việc bằng cách hạ thấp nhiệt độ WBGT (nhiệt độ bầu ướt), chẳng hạn như cung cấp điều hòa không khí cho môi trường trong nhà nóng và bóng râm cho nơi làm việc ngoài trời, cũng như thay đổi giờ làm việc để tránh những thời điểm nóng nhất trong ngày. Tuy nhiên, ông Kawanami thừa nhận rằng, tính khả thi của biện pháp cuối cùng có thể bị hạn chế, vì nhiệt độ WBGT có thể cao đến mức nguy hiểm trong phần lớn thời gian trong ngày, đặc biệt là do tác động ngày càng tăng của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Mức độ đối phó tiếp theo là cải thiện các hoạt động làm việc, chẳng hạn như đảm bảo người lao động nghỉ ngơi đầy đủ và giữ đủ nước. Ông Kawanami trích dẫn hướng dẫn từ Viện An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp quốc gia Mỹ cho biết, cung cấp thang trượt về thời gian làm việc và nghỉ ngơi được khuyến nghị tùy thuộc vào điều kiện WBGT và cường độ làm việc.

Nhưng đối với các dự án đang chậm tiến độ, có khả năng hướng dẫn đó sẽ không được tuân thủ. Ông Kawanami lưu ý rằng, người lao động có xu hướng tự thúc ép bản thân quá mức khi có áp lực phải hoàn thành công trình đúng tiến độ. Ông cho biết, cách duy nhất để đảm bảo người lao động làm việc trong số giờ hợp pháp và duy trì sức khỏe của họ là thuê thêm người, mặc dù biện pháp này kéo theo chi phí cao hơn.

Loại đối phó cuối cùng mà ông Kawanami nhấn mạnh là hiểu được tình trạng thể chất của từng người lao động, chẳng hạn như tuổi tác và các vấn đề sức khỏe, và đảm bảo mọi người không làm việc vượt quá giới hạn cá nhân của họ.

Ngoài ra, người lao động và người sử dụng lao động phải có hiểu biết về căng thẳng nhiệt do nghề nghiệp để ngăn ngừa tình trạng này. Bộ Y tế Nhật Bản đã ban hành hướng dẫn về căng thẳng nhiệt do nghề nghiệp từ năm 1996; hiện nay cũng cung cấp thông tin tương tự bằng ít nhất 10 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Trung, tiếng Việt và tiếng Anh.

Năm ngoái, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã sửa đổi hướng dẫn về thời gian thi công công trình dân dụng để chỉ định nhiệt độ WBGT từ 31 độ C trở lên là "thời gian không thể thực hiện công việc". Theo Bộ này, việc áp dụng các hướng dẫn mới cho các dự án làm đường ở tỉnh Fukuoka đã tạo điều kiện nghỉ ngơi thêm 19 ngày hoặc hơn mỗi năm.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhiet-do-cao-han-che-lao-dong-ngoai-troi-10290077.html
Zalo