Nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bám sát các kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, từ đó cụ thể hóa để triển khai các nhiệm vụ năm 2024 với chủ đề 'Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững' với tinh thần 'năm quyết tâm'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong “năm quyết tâm” mà người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, có hai quyết tâm dù không xếp đầu, nhưng tính chất, mức độ, yêu cầu lại vô cùng cấp bách, đòi hỏi phải hành động khẩn trương, hết sức quyết liệt mới có thể đạt được, đó là: “Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” và “Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thật”.

Trước đó, nhiều lần người đứng đầu Chính phủ đã quán triệt tinh thần “3 không”: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, khi Thủ tướng đi kiểm tra, thị sát một số công trình giao thông trọng điểm cũng như tại một số hội nghị của Chính phủ, hội nghị do bộ, ngành tổ chức.

Để đề cao trách nhiệm, không né tránh, không bàn lùi, không nói khó khăn theo đúng tinh thần “3 không”, đòi hỏi phải có những cán bộ vừa có năng lực, trình độ, lại có trách nhiệm, tâm huyết, không ngại va chạm, không tư lợi. Nhưng muốn thế, trước tiên cần phải có một cơ chế đầy đủ để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Vấn đề này được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đã có cơ chế, chính sách cụ thể mở đường cho người có năng lực dám làm và dám chịu trách nhiệm. Mới nhất là Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống hiện nay căn bệnh cán bộ ngại khó, ngại khổ, tìm lý do để bao biện, đổ lỗi khi không hoàn thành công việc, trì hoãn khi được giao việc khó, việc mới vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương. Bên cạnh đó, cũng có những cán bộ muốn đổi mới nhưng lại không nhận được sự ủng hộ, thậm chí không được bảo vệ đầy đủ khi có những đột phá trong công việc, buộc họ phải “náu” mình lại, làm mất đi cơ hội, bỏ phí nguồn lực. Đây có thể xem là “bạo bệnh” làm cản trở tiến trình phát triển đất nước và từng ngành, từng địa phương.

Vì thế, quyết tâm đẩy lùi căn bệnh ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới trong thực thi công vụ cũng như quyết tâm bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, chính là quyết tâm tấn công vào một “thành trì” đã tồn tại nhiều năm, biết là khó khăn, nhưng cũng hết sức vinh quang. Để thực hiện yêu cầu đó, trước tiên đòi hỏi các cấp, ngành phải siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh. Nhất là phải chú trọng nâng cao tính tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các cấp chính quyền cơ sở và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đúng như yêu cầu mà Thủ tướng đã đề ra tại hội nghị.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhiem-vu-nang-ne-nbsp-nhung-cung-rat-vinh-quang/203770.htm
Zalo