Nhiệm vụ mới của cầu lông Việt Nam
Trong ngày 21/9, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Liên đoàn nhiệm kỳ VII, giai đoạn 2024-2029. Bên cạnh việc phát triển phong trào tập luyện môn cầu lông, Liên đoàn còn đặt mục tiêu hướng đến thành tích cao hơn ở SEA Games và Olympic, vậy những việc cần làm cụ thể là gì?
Thoát "lời nguyền" SEA Games
Kể từ thời điểm cầu lông du nhập vào Việt Nam, môn thể thao này đã phát triển nhanh chóng. Các sân cầu lông xuất hiện khắp mọi nơi. Cầu lông còn được đưa vào chương trình dạy giáo dục thể chất ở bậc phổ thông và đại học. Nhưng trên phương diện thể thao thành tích cao, số tay vợt Việt Nam vươn đến đẳng cấp thế giới lại rất hiếm hoi.
Nếu nhắc đến khái niệm "đẳng cấp thế giới", Nguyễn Tiến Minh dường như là tay vợt Việt Nam duy nhất đạt đến cấp độ đó. Tay vợt sinh năm 1983 đã giành huy chương đồng thế giới, huy chương đồng châu Á, và có thời điểm nằm trong nhóm 5 VĐV hàng đầu. Nhưng ở sân chơi SEA Games, thành tích tốt nhất của Tiến Minh cũng chỉ là HCĐ.
Lý do nào khiến Tiến Minh chưa bao giờ lọt vào một trận chung kết SEA Games? Câu trả lời nằm ở "thiệt thòi tự nhiên" của cầu lông Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á không thiếu những tay vợt đẳng cấp thế giới đến từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Trong những năm gần đây, cầu lông Singapore cũng có nhiều tay vợt mạnh.
Năm 2022, tại kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà, Tiến Minh đã mang về 1 trong 3 tấm huy chương đồng cho cầu lông Việt Nam. Một năm sau, trên đất Campuchia, Việt Nam trắng tay ở môn thể thao này. Người được kỳ vọng có thể mang về ít nhất 1 tấm HCĐ là tay vợt Nguyễn Thùy Linh, bất ngờ dừng bước ở trận tứ kết trước một tay vợt trẻ người Indonesia.
"Đó là trận đấu mà khi nghĩ lại, tôi không hiểu sao mình lại nhận thất bại", Thùy Linh hồi tưởng về thất bại không ngờ đến ở SEA Games 32. Nhưng trên thực tế, người đánh bại Thùy Linh trong trận đấu đó, lại được xem là "của hiếm" được cầu lông Indonesia mang đến SEA Games. Đó là tay vợt trẻ Ester Nurumi Tri Wardoyo.
Một năm sau khi thua Wardoyo ở SEA Games, Thùy Linh gặp lại tay vợt này 2 lần tại tour đấu châu Âu. Trong 2 trận đấu đó, Thùy Linh thắng 1 và thua 1. Điều đó cho thấy, những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á không thiếu tài năng để so kè, thậm chí vượt qua các đại diện Việt Nam.
Để cải thiện thành tích ở SEA Games, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam hẳn hướng đến mục tiêu giành ít nhất 1 huy chương đồng trên đất Thái Lan. Trên phương diện lý thuyết, đây là việc hoàn toàn khả thi. Cầu lông Việt Nam có thể giành huy chương ở các nội dung đồng đội và nội dung đơn nữ, vốn là hạng mục chúng ta có thế mạnh.
Một gương mặt mới có thể đại diện cho cầu lông Việt Nam thi đấu quốc tế trong thời gian tới là Nguyễn Thị Thu Huyền. Ở tuổi 13, cô gái quê Hải Dương đã được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Em cũng có thành tích tốt tại giải cầu lông trẻ châu Á 2024. Nhưng để hướng đến mục tiêu xa hơn, Thu Huyền cần tránh tình trạng "chín ép" quá sớm.
Dư địa nào ở Olympic?
Tại Olympic Paris, cầu lông Việt Nam có 2 tay vợt tham dự là Nguyễn Thùy Linh (đơn nữ) và Lê Đức Phát (đơn nam). Họ được tranh tài dựa trên thứ hạng của Liên đoàn Cầu lông Thế giới. Nếu Liên đoàn Cầu lông Việt Nam muốn hướng đến thành tích cao hơn ở Olympic, đâu là mục tiêu có thể nhắm tới? Điều đó có phải là tăng số suất tham dự?
Theo quy định hiện hành từ Liên đoàn Cầu lông Thế giới, một quốc gia chỉ có tối đa 2 tay vợt thi đấu cùng một nội dung tại Olympic. Tuy nhiên, họ chỉ có thể làm được điều đó nếu cùng nằm trong top 16 tay vợt hàng đầu. Đây là đích đến bất khả thi của cầu lông Việt Nam, bởi ngay cả Thùy Linh và Đức Phát cũng cách rất xa vị trí đó.
Với tay vợt Nguyễn Thùy Linh, vị trí tốt nhất của cô là hạng 20 thế giới. Nhưng kể từ đó, tay vợt này ngày càng gặp khó khăn trong việc tích điểm. Lý do chính là bởi các đối thủ của Thùy Linh giờ đây quan tâm hơn, nghiên cứu nhiều hơn đến lối đánh của cô. Họ làm điều đó nhiều hơn khi Thùy Linh thắng cựu vô địch Olympic Carolina Marin.
Bản thân Thùy Linh từng khẳng định, vị trí trong top 20 và top 16 thế giới có khoảng cách trình độ rất xa. Cô không thể bứt phá trong một sớm một chiều. Minh chứng là sau Olympic Paris, nhiều tay vợt hàng đầu đã tuyên bố nghỉ thi đấu quốc tế, nhưng Thùy Linh vẫn không thể leo hạng. Cô thậm chí còn tụt hạng vì nhiều đối thủ khác vượt lên.
Ở nội dung đơn nam, Đức Phát cũng khiêm tốn khẳng định mục tiêu của mình là top 50 thế giới. Đồng đội của Đức Phát tại đội tuyển quốc gia, tay vợt Nguyễn Hải Đăng cũng nhắm đến mục tiêu tương tự. Họ biết rõ khả năng, cũng như giới hạn hiện tại của mình. Trong khi đó, các nội dung đôi của cầu lông Việt Nam cũng không có cơ hội đến Olympic.
Trong quá khứ, cầu lông Việt Nam từng có cặp đôi Đỗ Tuấn Đức và Phạm Như Thảo lọt vào top 35 thế giới. Tuy nhiên, chuẩn Olympic dành cho các nội dung đôi là top 16. Gặp khó khăn trong cuộc đua đến Olympic, Tuấn Đức - Như Thảo và đơn vị chủ quản quyết định rút khỏi hành trình quốc tế. Họ chỉ còn tham dự các giải quốc gia trước khi giải nghệ.
Vì những lý do kể trên, mục tiêu cải thiện thành tích duy nhất của cầu lông Việt Nam tại Olympic, sẽ là hướng đến việc vượt qua vòng bảng. Người nhận trọng trách đó nhiều khả năng sẽ là tay vợt Nguyễn Thùy Linh. Nhưng trong 4 năm nữa, Thùy Linh sẽ bước sang tuổi 31, và cô không hẳn còn ở phong độ đỉnh cao để lãnh trách nhiệm nặng nề đó.
Thế giới tìm nhân tố mới, Việt Nam dựa nhân tố cũ
Trong tầm nhìn 3-5 năm tới của cầu lông Việt Nam tại các sân chơi quốc tế, những gương mặt trọng điểm vẫn là Thùy Linh, Đức Phát, Hải Đăng. Thu Huyền còn quá ít tuổi, và việc đưa một tay vợt trẻ thi đấu quốc tế liên tục tiềm ẩn không ít rủi ro. Trước đó, tay vợt Vũ Thị Anh Thư từng thi đấu quốc tế liên tục nhưng thành tích không như kỳ vọng.
Khác với cầu lông Việt Nam, những cường quốc cầu lông thế giới đều không ngại "thay máu" đội hình sau Olympic. Những người làm điều này triệt để nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cầu lông Trung Quốc đã cơ cấu lại đội tuyển ở các nội dung đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ ngay sau khi Thế vận hội khép lại, với mục tiêu đạt thành tích cao hơn.
Về phía cầu lông Nhật Bản, họ cũng thay vị trí HLV phụ trách nội dung đơn nữ ngay sau Olympic Paris. Việc này được thực hiện để tạo điều kiện phát triển cho Tomoka Miyazaki, tay vợt 18 tuổi nhưng đã lọt vào top 20 thế giới. Nhiều nội dung như đôi nữ và đôi nam nữ cũng được xếp lại đội hình, cũng như tìm nhân tố mới.