Nhất nguyên người và máy

Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, trí tuệ nhân tạo sẽ phối hợp với não của con người, đưa loài người đến một giai đoạn 'nhất nguyên người và máy' toàn diện hơn. Điều này làm cho mô hình quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia dựa trên tư duy 'định biên' trở nên vô cùng lạc lõng và cản trở chuyển đổi số, đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận mới trong phân bổ nguồn lực doanh nghiệp hay nguồn lực quốc gia.

Trong khi công nghệ cấy chip não đưa loài người vào thời đại nhất nguyên người và máy đang diễn ra ở phạm vi các phòng thí nghiệm, thì trí tuệ nhân tạo (AI) đã theo đường kết nối Internet luồn lách vào các ngóc ngách của loài người, từ các công cụ phổ thông ChatGPT, Face ID, tới các AI chuyên dụng như taxi không người lái Waymo, UAV trong cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, các công cụ AI hỗ trợ nghiên cứu khoa học đạt giải Nobel(1).

Ở ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, máy móc đã lần lượt thay thế hoặc hỗ trợ, phối hợp với cơ bắp, thính giác, thị giác của con người; tới cuộc cách mạng thứ tư, AI sẽ phối hợp với não của con người, đưa loài người đến một giai đoạn nhất nguyên toàn diện hơn. Điều này làm cho mô hình quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia dựa trên tư duy “định biên” trở nên vô cùng lạc lõng và cản trở chuyển đổi số, kéo lùi nhịp phát triển của doanh nghiệp ở tầm vi mô, hay quốc gia ở tầm vĩ mô; đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận mới trong phân bổ nguồn lực doanh nghiệp hay nguồn lực quốc gia.

Ở ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, có thể bóc tách khá dễ sự hỗ trợ của máy móc, đặc biệt đối với hoạt động sử dụng lao động phổ thông thì người ta có thể đếm được chính xác số lượng thao tác để khâu mũi giày vào đế giày, nên các doanh nghiệp dễ dàng bóc tách “ca máy” và “ca người” để tính toán chi phí, phân bổ nguồn lực.

Nhưng đối với lao động trí óc, hoạt động của giới văn phòng, việc bóc tách chi phí, hiệu quả và năng suất giữa “người” và “máy” rất khó, nên người ta thường dùng cách tiếp cận “định biên” và gán một công việc, một lĩnh vực, một địa bàn phụ trách nào đó cho một số nhân sự. Cách tiếp cận này đã vận hành hàng trăm năm, phù hợp với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước.

Để có thể bắt kịp nhân loại trong khai thác trí năng của AI vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, cũng như quản trị quốc gia, cần có cách tiếp cận mới: nhất nguyên người và máy.

Nửa cuối thế kỷ 20, với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), các doanh nghiệp đã linh hoạt hơn trong việc sử dụng các chỉ số phụ như EBITDA hay tỷ lệ phần trăm chi phí nhân sự để thúc đẩy việc đầu tư phát triển, ứng dụng CNTT song song với cắt giảm chi phí nhân công. Tuy nhiên, trong hoạch định và phân bổ nguồn lực, bộ phận nhân sự (HR) vẫn là một bộ phận biệt lập, và kế hoạch phân bổ nhân sự hàng năm vẫn chưa được tích hợp sâu với kế hoạch đầu tư phát triển, ứng dụng CNTT. Trong lĩnh vực công, bộ phận nhân sự dường như rất ít liên quan tới CNTT, các cơ quan nhà nước vẫn định biên theo đơn vị hành chính như hàng trăm năm trước, trong đó lấy quan chức làm trung tâm; xung quanh quan chức là bộ máy văn phòng, các cơ quan chuyên môn; càng đông nhân sự thì vai vế chính trị của quan chức đó càng tăng. Từ đây, các cơ quan đều có động lực (incentive), nhu cầu xin tăng biên chế; nên việc cải cách bộ máy cứ hết tóp lại phình, bởi theo cách tiếp cận này động lực xin tăng biên chế vẫn như cũ.

Điều đáng nói, cách tiếp cận “định biên” thuần túy sẽ vô hình trung cản trở việc ứng dụng CNTT, AI vào hoạt động của các đơn vị cấp dưới. Bởi mỗi đơn vị sẽ phấn đấu đàm phán xin tuyển đủ nhân sự theo định biên; càng ứng dụng CNTT, AI thì nhân sự càng dôi dư, càng có lý do để bị cắt giảm hoặc sáp nhập. Đối với khu vực công thì động lực ứng dụng CNTT, AI càng bị suy giảm, bởi không có chỉ số đo lường mức độ ứng dụng thành công CNTT, AI vào công việc, trong khi thu nhập lại được Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính phân bổ dựa trên ngạch bậc công chức, không liên quan gì đến mức độ ứng dụng CNTT, AI. Bởi vậy, việc ứng dụng CNTT, AI trong mô hình “định biên” mang tính chất cưỡng bức từ trên xuống, còn từ dưới lên thì rất ít có động lực; và nếu có động lực thì cấp dưới cũng không được trao quyền quyết định đầu tư hạ tầng CNTT, AI hay điều phối chi phí nhân sự sang chi phí CNTT, AI.

Để có thể bắt kịp nhân loại trong khai thác trí năng của AI vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, cũng như quản trị quốc gia, cần có cách tiếp cận mới: nhất nguyên người và máy. Theo đó, các đơn vị cấp dưới sẽ được giao các chỉ tiêu (KPI) dựa trên khối lượng công việc bằng số lượng hồ sơ hoàn thành nhân với hệ số độ phức tạp và đặc trưng vùng miền... Định biên chỉ đóng vai trò là “trần” khống chế; ở dưới cái “trần” đó, các đơn vị cấp dưới có quyền chủ động điều phối tỷ lệ ngân sách dành cho tuyển dụng nhân sự và ngân sách dành cho ứng dụng CNTT, AI nói chung; phần tiết kiệm được do ứng dụng CNTT, AI sẽ được quyền chuyển thành thu nhập tăng thêm cho toàn bộ nhân sự ở đơn vị tương ứng.

Cách tiếp cận này sẽ làm thay đổi cơ bản các động lực, tương ứng với từng chủ thể sau:

(i) Công chức được hưởng thu nhập tăng thêm do sử dụng nhân sự dưới “trần” nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc được giao nhờ tích cực chủ động ứng dụng CNTT, AI vào công việc. Từ đó ứng dụng CNTT, AI trở thành động lực kinh tế của mỗi công chức, mỗi lãnh đạo đơn vị.

(ii) Do nhu cầu ứng dụng CNTT, AI nên khu vực công sẽ thúc đẩy số hóa dữ liệu, thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về masking (mặt nạ) dữ liệu, bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư, chia sẻ dữ liệu sau masking và tiến tới có thể cung cấp dữ liệu mở (sau quy trình masking cần thiết).

(iii) Khi nhà nhà người người tăng cường ứng dụng CNTT, AI thì nó sẽ tạo thị trường đủ lớn, và tạo động lực cho các nhà đầu tư nội địa đầu tư phát triển CNTT, AI.

Việt Nam đã có khung pháp lý về chữ ký số, bảo vệ dữ liệu, dữ liệu cư dân (VNeID) và một số doanh nghiệp nội địa có thể cung cấp hạ tầng điện toán đám mây, AI để có thể bảo đảm bí mật quan trọng không nằm trong tay nước ngoài.

Vấn đề còn lại là áp dụng hoặc kết hợp cách tiếp cận mới: nhất nguyên người và máy để tạo động lực. Ở khu vực công, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành vai trò của mình, nhưng Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn để hiện thực hóa đường lối chuyển đổi số, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư Tô Lâm coi là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất(2).

(*) Trọng tài viên VIAC, Cố vấn cao cấp ICCL
(1) Trong lần trao giải năm 2024, giải Nobel Vật lý và Nobel Hóa học được trao cho công trình có sử dụng AI làm công cụ hỗ trợ nghiên cứu. https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/giai-nobel-va-con-sot-ai/
(2) https://special.nhandan.vn/Chuyen_doi_so_luc_luong_san_xuat_quan_he_san_xuat/

PGS.TS. Võ Trí Hảo (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhat-nguyen-nguoi-va-may/
Zalo