Nhất Đăng đại sư có Nhất Dương Chỉ và Cửu Âm Chân Kinh: Tại sao không thể học được Lục Mạch Thần Kiếm?
Câu trả lời về việc Nhất Đăng đại sư không thể học Lục Mạch Thần Kiếm nằm trong Thiên Long Bát Bộ.
Nhất Đăng đại sư, tên thật là Đoàn Trí Hưng, là Hoàng đế thứ 14 của Đại Lý. Ông là con trai Cảnh Tông Chính Khang Đế. Sau một thời gian trị vì, ông nhường ngôi cho con mình là Đoàn Trí Liêm rồi xuất gia lấy hiệu là Nhất Đăng.
Trong tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu của tác giả Kim Dung, nhân vật Đoàn Trí Hưng đóng vai trò quan trọng và tiếp tục xuất hiện trong tác phẩm kế tiếp là Thần Điêu Hiệp Lữ.Đoàn Trí Hưng là hậu duệ của Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh, những nhân vật chính trong Thiên Long Bát Bộ.
Sau khi Hoa Sơn luận kiếm lần đầu tiên kết thúc, Đoàn Trí Hưng trở thành một trong "Thiên hạ ngũ tuyệt" với danh hiệu "Nam Đế". Ông sở hữu võ công cực kỳ cao cường, đặc biệt nổi tiếng với tuyệt kỹ Nhất dương chỉ, một kỹ năng gia truyền.
Nhất Đăng đại sư sở hữu võ công cái thế với Nhất Dương Chỉ, Tiên Thiên Công và Cửu Âm Chân Kinh. Vậy tại sao ông lại không học tuyệt kỹ võ công độc môn truyền nội không truyền ngoại của Đoàn thị - Lục Mạch Thần Kiếm?
3 lý do khiến Nhất Đăng đại sư bỏ qua Lục Mạch Thần Kiếm
Ban đầu, Nhất Đăng đại sư nổi danh giang hồ với Nhất Dương Chỉ. Sau đó, ông lại tình cờ học được Tiên Thiên Công của Vương Trùng Dương và Cửu Âm Chân Kinh, võ công được xem là đỉnh cao trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ. Theo trang tin Sina, có 3 nguyên nhân khiến Nhất Đăng đại sư không học Lục Mạch Thần Kiếm.
Thứ nhất, kiếm phổ Lục Mạch Thần Kiếm đã bị thiêu hủy và thất truyền.
Năm xưa, Đoàn Tư Bình nhờ có Lục Mạch Thần Kiếm mà tung hoành thiên hạ. Tuy nhiên, đến thời Thiên Long Bát Bộ, chỉ có Đoàn Dự mới sử dụng thành thạo toàn bộ Lục Mạch Thần Kiếm. Các cao thủ của Thiên Long Tự cũng chỉ biết sơ sơ đôi chút. Đoàn Dự sử dụng Lục Mạch Thần Kiếm cũng lúc được lúc không.
Trong cốt truyện của Thiên Long Bát Bộ, Khô Vinh đại sư đã thiêu hủy kiếm phổ Lục Mạch Thần Kiếm trước mặt Cưu Ma Trí. Có thể nói chỉ còn Đoàn Dự là người biết toàn bộ kiếm phổ. Vì vậy, đến thời Anh Hùng Xạ Điêu, Lục Mạch Thần Kiếm đã thất truyền, không còn ai học được nữa.
Thứ hai, Nhất Đăng đại sư không cần học Lục Mạch Thần Kiếm.
Trên thực tế, với trí tuệ của Nhất Đăng đại sư, ông hoàn toàn có thể tra cứu sách vở cổ xưa hoặc tìm kiếm tài liệu để học Lục Mạch Thần Kiếm. Hơn nữa, nội lực của Nhất Đăng đại sư nhờ nhiều năm tu luyện cộng thêm Cửu Âm Chân Kinh và Tiên Thiên Công thì chuyện học môn võ công này hoàn toàn là điều dễ dàng. Tuy nhiên, Nhất Đăng đại sư một lòng hướng Phật, không màng danh lợi và tranh đấu, lại thêm tâm cảnh đã đạt đến mức xem nhẹ võ học. Vì vậy, về sau, dù sở hữu nhiều tuyệt kỹ võ công, ông cũng không có lòng muốn học Lục Mạch Thần Kiếm.
Thứ ba, Kim Dung viết Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ trước khi viết Thiên Long Bát Bộ.
Khi viết 2 tác phẩm đó, ông chưa có ý tưởng về Lục Mạch Thần Kiếm, thậm chí môn võ công này còn chưa xuất hiện. Điều này có thể thấy qua việc Kim Dung sau này đã sửa đổi tình tiết về Hàng Long Thập Bát Chưởng. Trong phiên bản chỉnh sửa, Tiêu Phong đã truyền Hàng Long Thập Bát Chưởng cho Hư Trúc. Hư Trúc lại truyền lại cho người trong Cái Bang, rồi được truyền từ đời này sang đời khác. Ban đầu, Hàng Long Thập Bát Chưởng còn có tên là Hàng Long Nhị Thập Bát Chưởng. Điều này cho thấy lúc đó Kim Dung vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống võ học của mình.
Tóm lại, ba nguyên nhân trên đã lý giải vì sao Nhất Đăng đại sư không thể học được Lục Mạch Thần Kiếm.