Nhật Bản tung gói cứu trợ 6,3 tỷ USD đối phó thuế quan Mỹ
Ngày 26/5, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch triển khai gói hỗ trợ kinh tế trị giá 900 tỷ Yen (tương đương 6,3 tỷ USD) nhằm đối phó với các tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan mới mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ châu Á, bao gồm Nhật Bản. Đây là phản ứng tài khóa đầu tiên của Tokyo trước căng thẳng thương mại song phương gia tăng, vốn đe dọa hoạt động xuất khẩu và sức mua trong nước.
Đây là một phần thuộc chương trình hỗ trợ ước tính lên đến 2.800 tỷ Yen, bao gồm đóng góp từ các chính quyền địa phương. Theo kế hoạch, Nội các Nhật Bản sẽ phê duyệt khoản chi ngân sách trung ương 900 tỷ Yen vào ngày 27/5, trong đó 600 tỷ Yen dành cho việc trợ giá hóa đơn điện và khí đốt, giảm gánh nặng chi tiêu mùa hè cho các hộ gia đình; 300 tỷ Yen còn lại sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực chi phí gia tăng và biến động thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu tại Dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/4.
Cụ thể, chương trình trợ giá tiện ích đặt mục tiêu giúp mỗi hộ gia đình tiết kiệm khoảng 1.040 Yen trong tháng 7 và tháng 9, và 1.260 Yen trong tháng 8, thời điểm nền nhiệt tại Nhật Bản thường xuyên vượt 35 độ C, khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt.
Để triển khai gói cứu trợ, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét trích 388 tỷ Yen từ Quỹ dự trữ quốc gia, đồng thời kết hợp sử dụng các khoản vay lãi suất thấp nhằm tối ưu hóa nguồn lực tài chính.
Đây không phải là lần đầu tiên Tokyo sử dụng chính sách trợ cấp hóa đơn tiện ích để đối phó với cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Trước đó, năm 2023, dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, một chương trình tương tự đã được triển khai để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự mất giá của đồng Yen, làm đội chi phí nhập khẩu nhiên liệu và hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, lần này, động lực thúc đẩy Tokyo hành động đến từ loạt biện pháp thuế quan đột ngột của Washington, như tăng thuế với xe điện, pin và linh kiện điện tử - vốn đe dọa trực tiếp xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ, thị trường lớn thứ hai của nước này. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, tác động sẽ nhanh chóng lan sang khu vực tiêu dùng nội địa thông qua áp lực chi phí sinh hoạt và thu nhập giảm sút.
Nhiều chuyên gia tài chính đánh giá gói hỗ trợ lần này là bước đi thận trọng nhưng cần thiết trong bối cảnh các nền kinh tế lớn vẫn đang đối mặt với làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, với áp lực nợ công cao và tỉ lệ tăng trưởng tiêu dùng chưa phục hồi rõ rệt, hiệu quả thực tế của gói hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào khả năng điều phối chính sách và tính chính xác trong việc nhắm đến đúng đối tượng thụ hưởng.