Nhật Bản trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2024
Chiến dịch tranh cử cho cuộc đua vào Hạ viện Nhật Bản đã chính thức bắt đầu, với danh sách hơn 1.300 ứng cử viên đến từ 11 đảng và tổ chức chính trị tham gia tranh cử. Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với những thách thức từ nhiều phía, cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ xem là cơ hội để Nhật Bản giải quyết những khủng hoảng trong nước, củng cố lại hệ thống chính trị và tạo tiền đề cần thiết thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Số lượng ứng cử viên kỷ lục
Theo The Japan News, cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản - tổng tuyển cử lần thứ 50 có danh sách với 1.344 ứng cử viên, cao hơn đáng kể so với con số 1.051 ứng cử viên đăng ký tại cuộc bầu cử năm 2021. Đáng chú ý, cuộc bầu cử năm nay chứng kiến tỷ lệ nữ tham gia tranh cử đạt kỷ lục chiếm 23,36%, vượt mốc 300 ứng cử viên nữ. Đây là con số cao nhất về số lượng nữ giới tham gia tranh cử trong bất kỳ cuộc khảo sát nào về các cuộc bầu cử Hạ viện ở Nhật Bản.
So với cuộc bầu cử Hạ viện năm 2021, số lượng khu vực bầu cử có sự điều chỉnh theo quy mô dân cư của 15 địa phương theo nguyên tắc “10 tăng, 10 giảm”. Trong đó, 5 tỉnh tăng tổng số 10 ghế trong Hạ viện bao gồm, Tokyo tăng thêm 5 ghế, Kanagawa thêm 2 ghế, Saitama, Chiba và Aichi mỗi tỉnh thêm 1 ghế; 10 địa phương mỗi địa phương giảm 1 ghế là Hiroshima, Miyagi, Niigata, Fukushima, Okayama, Ehime, Nagasaki, Wakayama, Yamaguchi, Shiga.
Tất cả 465 ghế Hạ viện được đưa ra bầu lại, trong đó 289 ghế sẽ được bầu ở đơn vị bầu cử 1 ghế và 176 ghế được bầu theo tỷ lệ phiếu bầu cho mỗi đảng. Chiến dịch tranh cử sẽ kết thúc vào ngày 26.10, các ứng cử viên sẽ thực hiện một loạt chương trình vận động bầu cử, trong đó tập trung vào những chủ đề chính như biện pháp tăng trưởng kinh tế, cải cách chính trị.
Đây là cuộc bầu cử quốc gia đầu tiên kể từ khi các lãnh đạo mới của 3 đảng là đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng Công Minh và đảng Dân chủ Lập hiến (đảng đối lập lớn nhất) được xác định vào tháng 9 và Nội các mới của Thủ tướng Shigeru Ishiba được thành lập vào ngày 1.10.
Theo giới quan sát, sự kiện lần này đặc biệt quan trọng bởi sau 3 năm cử tri Nhật Bản có thể lựa chọn ra người đại diện cho tiếng nói của mình trong cơ quan lập pháp. Lần tổng tuyển cử gần nhất của Nhật Bản được tổ chức ngay sau khi cựu Thủ tướng Kishida Fumio nhậm chức năm 2021.
Trong lịch sử, chỉ có một lần bầu cử do hết nhiệm kỳ là vào năm 1976 dưới chính quyền Thủ tướng Miki Takeo, còn lại tất cả đều là do giải tán trước thời hạn. Quyết định giải tán là thẩm quyền của Thủ tướng và thời điểm giải tán được xác định theo đánh giá của chính quyền đương nhiệm. Việc giải tán Hạ viện Nhật Bản chỉ 8 ngày sau khi Thủ tướng Ishiba Shigeru nhậm chức, được xem là động thái nhanh nhất của một nhà lãnh đạo thời hậu chiến.
Ưu thế vẫn thuộc về đảng LDP cầm quyền
Liên minh cầm quyền hiện nay gồm LDP và đảng Công Minh, đặt mục tiêu giành ít nhất đa số ghế tại cuộc bầu cử Hạ viện lần này. Giới quan sát đặt ra câu hỏi, liệu đảng cầm quyền LDP cùng các đồng minh có bảo đảm được đa số ghế và tiếp tục chính phủ liên minh của mình hay không, hay các đảng đối lập sẽ gia tăng quyền lực khi đảng cầm quyền không còn chiếm được đa số.
Trong Quốc hội hiện nay, đảng LDP kiểm soát 256 ghế, đối tác của họ trong liên minh cầm quyền là đảng Công Minh nắm giữ 32 ghế. Các đảng đối lập có 190 ghế, 99 ghế trong số đó do Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản nắm giữ. Để kiểm soát Quốc hội, các đảng cần có ít nhất 233 ghế và giành được đa số trong mỗi ủy ban của Quốc hội. Đây được coi là mục tiêu khá dễ dàng vì liên minh cầm quyền trước đây nắm giữ 288 ghế trước khi Hạ viện giải tán.
Một số ý kiến cho rằng, cuộc tổng tuyển cử được xem như một phép thử đối với khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Shigeru Ishiba, người đang phải vật lộn với sự ủng hộ mong manh và hoài nghi của công chúng. Ông Ishiba đã chọn phát động chiến dịch của đảng tại Iwaki, tỉnh Fukushima - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất vào tháng 3.2011. Trong chiến dịch tranh cử kéo dài 12 ngày, ông Ishiba phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục công chúng rằng LDP vẫn là đảng tốt nhất để lãnh đạo đất nước, đồng thời củng cố vị thế lãnh đạo của chính mình. Theo đó, ban lãnh đạo LDP đã rút lại sự ủng hộ của 12 thành viên đảng có liên quan đến vụ bê bối.
Mặc dù ông được công chúng ủng hộ rộng rãi trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng tỷ lệ chấp thuận ban đầu cho thấy họ vẫn thờ ơ với chính phủ mới. Trong một cuộc thăm dò của Kyodo News vào hôm 13.10, cho thấy tỷ lệ chấp thuận của công chúng đối với chính quyền mới là 42,0%, thấp hơn 8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát được tiến hành vào đầu tháng 10. Trong cuộc họp báo hôm 14.10, bản thân ông Ishiba đã thừa nhận cuộc bầu cử sắp tới sẽ vô cùng khó khăn với đảng LDP cầm quyền.
Song, giới chuyên gia nhận định, bất chấp những tổn thất đáng kể về uy tín và danh tiếng, LDP vẫn là lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật Bản. Theo dữ liệu mới nhất từ hãng tin Kyodo News, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Shigeru Ishiba mặc dù thấp đối với một chính phủ mới thành lập, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với chính phủ trước đó là 42%.
Đảng LDP vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Theo cuộc thăm dò, 26,4% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho LDP và 6,4% cho đối tác liên minh của LDP. Đảng Dân chủ Lập hiến nhận được sự ủng hộ của 12,4% số người được hỏi, con số dành cho các đảng đối lập khác thậm chí còn thấp hơn, và 1/3 số người được hỏi vẫn chưa quyết định họ sẽ bỏ phiếu cho bên nào.
Có thể nói, cơ hội chiến thắng của LDP trong cuộc bầu cử sớm sắp tới vẫn rất lớn, song liệu LDP có thể một mình giành được đa số trong Hạ viện, tức là vượt qua 233 số ghế hay không, vẫn là câu hỏi khó giải đáp.
Hàng loạt vấn đề cấp bách
Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với loạt thách thức gia tăng cả trong và ngoài nước, liệu các chính trị gia có thể xua tan sự ngờ vực của công chúng đối với chính trị, nỗi lo lắng về cả sinh kế của họ, cũng như tương lai của quốc gia hay không.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia này đã thay đổi đáng kể, với giá cả cao kỷ lục, dân số tiếp tục giảm với nhiều thách thức về an ninh và đối ngoại hiển hiện. Các nhà quan sát cho rằng, việc giải quyết tình trạng giá cả tăng cao là nhiệm vụ cấp bách. Về vấn đề tăng lương, các đảng đang kêu gọi tăng mức lương tối thiểu, hiện đang ở mức trung bình 1.055 yên (khoảng 7,08 đô la) trên toàn quốc. Trong bài phát biểu chính sách của mình, ông Ishiba đã đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu trung bình toàn quốc lên 1.500 yên/mỗi giờ (khoảng 10,06 đô la) vào cuối những năm 2020. Ngoài ra, Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ cải thiện năng suất và chuyển giá để tăng cường khả năng trả lương cao hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song, các chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ điều này có thể đạt được chỉ bằng cách mở rộng các chính sách hiện hành hay không.
Thêm vào đó, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm và xã hội già hóa. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 35,3% tổng dân số Nhật Bản vào năm 2040 và có thể lên tới 40% vào năm 2060. Điều này sẽ dẫn tới nhu cầu về dịch vụ chăm sóc y tế và điều dưỡng sẽ tăng cao, trong khi lực lượng lao động và nguồn tài chính để cung cấp các dịch vụ này đều đang thiếu hụt. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản áp dụng nhiều các biện pháp để giải quyết bài toán về dân số như tăng trợ cấp nuôi con và hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ, nhưng những nỗ lực này chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Cuộc bầu cử này là thời điểm then chốt để kiểm tra xem liệu chính trị có thể giải quyết được các vấn đề mà quốc gia đang phải đối mặt hay không. Khi ngày bầu cử 27.10 đang đến gần, mỗi đảng có trách nhiệm đưa ra các giải pháp cho hàng loạt thách thức thông qua cuộc tranh luận. Dù đảng phái nào giành chiến thắng cuối cùng, cuộc bầu cử sẽ là tiền đề quan trọng, để Nhật Bản củng cố lại hệ thống chính trị, mở đường cho việc thực thi nhiều chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ những thách thức lớn mà quốc gia này đang phải đối mặt. Với chính phủ của Thủ tướng Ishiba Shigeru, chiến thắng của LDP là tiền đề quan trọng mang lại tính chính danh cho vị trí Thủ tướng, đồng thời cho phép có thể thúc đẩy cơ quan lập pháp thông qua các chính sách đã đề ra.