Nhật Bản thận trọng tiến vào kỷ nguyên tiền kỹ thuật số

Trong nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang thử nghiệm đồng Yên kỹ thuật số - một loại tiền số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC). Khác với nhiều quốc gia, Nhật Bản chọn cách tiếp cận thận trọng với CBDC, ưu tiên xây dựng niềm tin công chúng, bảo vệ quyền riêng tư, giữ vai trò của ngân hàng thương mại và duy trì lưu hành tiền mặt.

Từ “chuộng tiền mặt” đến bùng nổ thanh toán số

Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia ưa chuộng tiền mặt, tuy nhiên xu hướng này đang thay đổi nhanh chóng.

Với đặc thù dân số già và thói quen dùng tiền mặt lâu đời khiến Nhật Bản chậm phát triển trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, kể từ đại dịch COVID-19, nhóm người tiêu dùng trẻ và am hiểu công nghệ tại quốc gia này đã đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng thanh toán di động. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại đây đã tăng từ 13,2% năm 2010 lên 42,8% vào năm 2024, vượt qua mục tiêu 40% của Chính phủ sớm hơn một năm.

Các nhà hoạch định chính sách xem đây là cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thanh toán không tiền mặt, nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

CBDC - Bước đi chiến lược của BOJ

Dù đạt mức kỷ lục 39,3% chi tiêu không dùng tiền mặt năm 2023, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với hơn 80% của Trung Quốc. Với quyết tâm thu hẹp khoảng cách, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên 80%, đồng thời triển khai các chương trình khuyến khích như điểm thưởng.

Theo đó, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã khởi động chương trình thí điểm nghiên cứu đồng Yên kỹ thuật số - một loại tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC) từ năm 2023, phối hợp cùng các doanh nghiệp tư nhân. Dù chưa có quyết định chính thức về việc phát hành đồng tiền này, các cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị để bảo đảm đồng Yên giữ vững giá trị trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hướng tới giao dịch không tiền mặt.

Trong bối cảnh đó, chương trình thí điểm CBDC của BOJ trở thành nền tảng chiến lược cho chính sách tài chính quốc gia. Từ tháng 4/2023, gần 60 tổ chức đã tham gia thử nghiệm đồng yên kỹ thuật số nhằm đánh giá tính khả thi của đồng tiền này. Các nhóm nghiên cứu tập trung xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh công nghệ và pháp lý, bao gồm an ninh mạng và tích hợp với hệ thống thanh toán hiện hành. Các chuyên gia lưu ý rằng, dù công nghệ blockchain hứa hẹn, đồng Yên kỹ thuật số phải đạt được sự tin cậy và tốc độ giao dịch tương đương hoặc vượt trội so với các hệ thống hiện có. Phương pháp tiếp cận thận trọng, tham vấn rộng rãi này phản ánh sự dè dặt truyền thống của Nhật Bản trong đổi mới tiền tệ.

Lãnh đạo BOJ nhìn nhận đồng Yên kỹ thuật số là công cụ bảo vệ giá trị đồng tiền trong tương lai, thay vì một sự thay đổi đột ngột. Ngân hàng Trung ương đang chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt công nghệ, bảo mật và khung chính sách để có thể triển khai suôn sẻ khi thời điểm thích hợp đến. Hiện thời gian ra mắt đồng CBDC vẫn chưa được công bố.

Nhật Bản từng bước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Shutterstock

Nhật Bản từng bước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Shutterstock

Giữa cạnh tranh toàn cầu và lo ngại trong nước

Mặt khác, xu hướng không tiền mặt đang tăng tốc trên toàn cầu cũng tác động không nhỏ đến kế hoạch của Nhật Bản. Đáng chú ý, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, với khối lượng giao dịch tăng gấp ba lần trong vòng một năm gần đây, cho thấy tham vọng dẫn đầu về tiền kỹ thuật số của Bắc Kinh.

Trước tình trạng đó, BOJ đang tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế như Dự án Agora của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nhằm thúc đẩy khả năng tương tác xuyên biên giới của các loại CBDC. Qua đó, Nhật Bản hướng tới việc bảo vệ chủ quyền tiền tệ và bảo đảm đồng yên kỹ thuật số có thể vận hành liền mạch ở thị trường toàn cầu.

Đồng Yên kỹ thuật số, nếu được thiết kế phù hợp, sẽ đem lại nhiều lợi ích song cũng đặt ra không ít thách thức cho các ngân hàng và nhà hoạch định chính sách. Ngân hàng thương mại lo ngại rằng CBDC có thể khiến dòng tiền gửi bị rút ồ ạt khi người dân có thể giữ tiền trực tiếp tại BOJ. Chuyên gia cảnh báo thiết kế không phù hợp có thể gây ra hiện tượng “chảy máu” tiền gửi, làm suy giảm khả năng cho vay của ngân hàng. Ngoài ra, trong các chế độ kiểm soát nghiêm ngặt như Trung Quốc, tiền kỹ thuật số còn bị lo ngại dùng làm công cụ giám sát xã hội, gây băn khoăn về quyền riêng tư. Những rủi ro kỹ thuật như mất điện hay vi phạm dữ liệu cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính liên tục của nguồn tiền.

Chiến lược của Nhật Bản tập trung vào việc hạn chế rủi ro này bằng các biện pháp bảo vệ như duy trì song song tiền mặt vật lý, bảo đảm quyền riêng tư cho người dùng đồng Yên kỹ thuật số, sử dụng các ngân hàng tư nhân làm kênh trung gian và giới hạn số lượng CBDC cá nhân có thể nắm giữ. Nhờ đó, Nhật Bản hy vọng xây dựng được lòng tin, duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng đồng thời khai thác hiệu quả các lợi ích từ quá trình số hóa.

Người tiêu dùng quyết định tương lai đồng yên kỹ thuật số

Cuối cùng, chính người tiêu dùng Nhật Bản sẽ quyết định số phận của đồng Yên kỹ thuật số. Với thói quen sử dụng đồng Yên ổn định và phổ biến lâu nay, việc chuyển sang dùng tiền kỹ thuật số có thể diễn ra từng bước. Sự tiện lợi từ các lợi ích như thanh toán tức thời miễn phí, thương mại điện tử thuận tiện và chuyển khoản ngang hàng sẽ là động lực lớn giúp đồng Yên kỹ thuật số được nhiều người chấp nhận. Nếu triển khai hiệu quả, CBDC có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít dùng tiền mặt tại Nhật.

Về mặt khu vực, đồng Yên kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là đối trọng với e-CNY của Trung Quốc, nhằm tránh tình trạng một đồng tiền kỹ thuật số chi phối thương mại khu vực và góp phần kết nối các mạng lưới thanh toán kỹ thuật số chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản chậm chân, vai trò toàn cầu của đồng Yên có thể bị suy giảm khi các nước khác đặt ra các quy tắc tài chính kỹ thuật số mới. Điều này thúc đẩy BoJ hành động thận trọng nhưng quyết liệt, để không bị tụt lại phía sau.

Cách tiếp cận thận trọng và toàn diện của Nhật Bản mở ra một hướng đi tiềm năng cho các quốc gia dân chủ tham gia vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số mà vẫn giữ vững sự ổn định tài chính và quyền tự do cá nhân. Dù vẫn tồn tại những rủi ro nhất định, việc Nhật Bản đặt trọng tâm vào niềm tin của công chúng, độ tin cậy công nghệ và lộ trình triển khai từng bước cho thấy một chiến lược phát triển cẩn trọng. Đồng Yên kỹ thuật số có thể trở thành minh chứng tiêu biểu cho một mô hình đổi mới được tiến hành một cách có trách nhiệm.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhat-ban-than-trong-tien-vao-ky-nguyen-tien-ky-thuat-so-10380830.html
Zalo