Động lực cho mục tiêu tăng trưởng trên 8%
Kinh tế - xã hội nửa đầu năm nay của nước ta đã đạt được kết quả tiệm cận mục tiêu đề ra, với mức tăng trưởng 7,52% - cao nhất kể từ năm 2011-2025.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm, 6 tháng cuối năm cần tăng 8,42%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, tập trung vào các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 6/2025 là hơn 268 nghìn tỷ đồng, đạt 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công. Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng.
Ông Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cho hay: “Nếu các công trình đầu tư công mà tốt thì cái tốt không chỉ là công trình ấy tốt, hiệu quả mà chất lan tỏa đối với nền kinh tế. Ví dụ nó tạo thêm lòng tin cho đầu tư tư nhân, cho đầu tư nước ngoài. Nó cũng góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư của kinh doanh ở Việt Nam".
Về động lực tăng trưởng tính dụng, các chuyên gia cho rằng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội. Về động lực tiêu dùng, kỳ vọng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ 1/7 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta cũng phải nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng về tiêu dùng cá nhân là 2%. Rõ ràng đây là mục tiêu rất thách thức, bởi để tăng trưởng 2% thì cần phải tăng thu nhập khả dụng của người dân và đây là cả một quá trình. Chúng ta kỳ vọng vào những tháng cuối năm này, đặc biệt là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, sẽ đẩy thêm nữa về tốc độ tiêu dùng ở trong nước".
Về dài hạn, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Năm 2025, sự ra đời của Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57 với những cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này, đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Theo tính toán của Cục Thống kê, để đạt được GDP tăng 8%, trong 6 tháng cuối năm phải tăng 8,42% với Quý III tăng 8,33%, Quý IV tăng 8,51%. Trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi mạnh, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm củng cố đà phục hồi, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.