Nhật Bản 'mạnh tay' với tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ

Nhật Bản ngày 23/12 thông báo sẽ ra lệnh yêu cầu ngừng hành vi vi phạm đối với 'gã khổng lồ' công nghệ Google của Mỹ liên quan đến cáo buộc độc quyền trên thị trường.

Trụ sở của Google ở California, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trụ sở của Google ở California, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhật Bản ngày 23/12 thông báo sẽ ra lệnh yêu cầu ngừng hành vi vi phạm đối với "gã khổng lồ" công nghệ Google của Mỹ liên quan đến cáo buộc độc quyền trên thị trường. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản đưa ra động thái pháp lý đối với công ty công nghệ của Mỹ.

Theo một nguồn thạo tin, Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) cáo buộc Google đã vi phạm luật khi áp đặt những điều kiện ràng buộc đối với các nhà sản xuất điện thoại thông minh Android tại Nhật Bản. JFTC phát hiện Google đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại phải cài đặt cửa hàng ứng dụng Google Play như một phần của gói ứng dụng tìm kiếm trên trình duyệt web Chrome. Yêu cầu này khiến các thiết bị Android về cơ bản không thể bán được trên thị trường nếu không có Google Play.

Bên cạnh đó, Google còn bị cho là đưa ra các ưu đãi tài chính để khuyến khích những nhà sản xuất loại trừ các ứng dụng tìm kiếm cạnh tranh khác. Hành vi này được coi là "giao dịch không công bằng" theo luật chống độc quyền của Nhật Bản.

Cũng theo nguồn tin trên, một thư yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm sẽ được gửi đến Google sau buổi điều trần.

Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của JFTC nhằm trấn áp hành vi phản cạnh tranh của các công ty công nghệ lớn của Mỹ, trong đó vụ kiện của Google là vụ kiện đầu tiên nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft.

Trong thời gian qua, Google phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu về những hoạt động bị cáo buộc là chống cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến và chính sách ứng dụng trò chơi.

Tại Canada, Cơ quan Cạnh tranh Canada đã đệ đơn kiện lên Tòa án Cạnh tranh, cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Cơ quan này yêu cầu Google bán hai công cụ công nghệ quảng cáo và nộp phạt để đảm bảo tuân thủ luật cạnh tranh của Canada.

Cụ thể, cuộc điều tra của Competition Bureau, được khởi động từ năm 2020 và mở rộng sang các dịch vụ công nghệ quảng cáo của Google vào đầu năm nay, đã kết luận rằng Google là nhà cung cấp lớn nhất trong chuỗi công nghệ quảng cáo trực tuyến tại Canada và đã "lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình thông qua các hành vi nhằm duy trì và củng cố sức mạnh thị trường".

Google phản bác cáo buộc này, cho rằng đơn kiện “phớt lờ sự cạnh tranh gay gắt, nơi người mua và người bán quảng cáo có rất nhiều lựa chọn” và khẳng định công cụ công nghệ quảng cáo của họ giúp các trang web và ứng dụng có nguồn tài trợ nội dung, đồng thời cho phép những doanh nghiệp thuộc mọi quy mô tiếp cận khách hàng mới một cách hiệu quả.

Còn ở Ấn Độ, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã ra lệnh điều tra các chính sách bị cho là hạn chế của Google đối với những trò chơi bằng tiền thật trên nền tảng của mình, sau khi nhận được khiếu nại từ nền tảng trò chơi trực tuyến WinZO.

WinZO cáo buộc Google phân biệt đối xử khi cho phép các trò chơi bằng tiền thật thuộc thể loại thể thao giả tưởng và bài rummy trên Play Store, nhưng lại từ chối các trò chơi khác của WinZO như trò chơi cờ carrom, xếp hình và đua xe, mặc dù đã cập nhật chính sách ứng dụng trò chơi.

CCI cho rằng việc ưu tiên một số loại ứng dụng nhất định của Google tạo ra một thị trường hai cấp, nơi một số nhà phát triển được tiếp cận và hiển thị ưu tiên hơn, trong khi những người khác bị phân biệt đối xử và gặp bất lợi cạnh tranh.

Đây không phải là lần đầu Google gặp rắc rối với cơ quan quản lý Ấn Độ. Công ty đã bị phạt ít nhất hai lần vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực hệ điều hành Android.

Hương Thủy (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-ma-nh-tay-vo-i-tap-doan-cong-nghe-lo-n-cu-a-my/357814.html
Zalo