Nhật Bản là đối tác quan trọng của Đại học Huế
Trong hợp tác quốc tế của Đại học Huế, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng, đồng hành trong lộ trình hướng đến Đại học Quốc gia của Đại học Huế.
Điểm nhấn về hợp tác đào tạo y tế
GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế chia sẻ, trong mạng lưới kết nối và hợp tác quốc tế, hiện trường đã có quan hệ và ký kết hợp tác với trên 60 đối tác là các trường đại học, bệnh viện trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội từ hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Những năm qua, các đối tác quan trọng nhất của Trường đại học Y – Dược luôn đến từ đất nước Nhật Bản. Ngay sau khi hai quốc gia bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao thì Trường đại học Y - Dược cũng có những hợp tác với đối tác Nhật Bản đầu tiên bằng những chuyến thăm, làm việc. Đến những năm 2008, 2009 là thời điểm đặt nền móng vững chắc nhất khi trường thiết lập mối quan hệ với Trường Đại học Nagoya và Bệnh viện Nagoya. Một trong những quả nổi bật nhất trong hợp tác này là sự ra đời của Trung tâm Nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Trường đại học Y – Dược vào năm 2013. Trung tâm này có trang thiết bị hiện đại nhất Việt Nam vào thời điểm bấy giờ, tổng trị giá trên 1 triệu USD, đã giúp bệnh viện nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân.
Liên tiếp sau đó, trên lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế Trường đại học Y – Dược tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đối tác đến từ đất nước “Mặt trời mọc”. Các đối tác được thiết lập quan hệ bao gồm Trường đại học Tokyo Metropolitan, Trường đại học Y - Nha Tokyo, Trường đại học Tsukuba, Bệnh viện đại học Phủ Kyoto, Đại học Y Dược Phủ Kyoto và Đại học Kỹ thuật Y Dược, Đại học Công nghệ Toyohashi, Đại học Toyama, Học viện New Japan Academy…
Đến nay, nhiều cán bộ của Trường đại học Y – Dược hoàn thành chương trình sau đại học trong các lĩnh vực Y - Nha - Dược và Y tế công cộng tại Nhật Bản và đang góp phần quan trọng cho việc xây dựng và phát triển các chuyên ngành này tại trường. Đặc biệt, đã có hàng trăm sinh viên điều dưỡng của trường sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh, du học với tỷ lệ đỗ chứng chỉ hành nghề điều dưỡng quốc gia Nhật Bản cao. Phần lớn các học viên có công việc và đời sống ổn định, thành công ngay tại đất nước Nhật Bản và Việt Nam. Hiện, những sinh viên ưu tú của trường tiếp tục nhận học bổng để theo học chương trình sau đại học tại Trường đại học Sức khỏe và Phúc lợi xã hội Nhật Bản (IUHW).
Cung ứng nguồn lao động chất lượng
Không chỉ dừng lại khía cạnh đào tạo, theo Trường đại học Y – Dược, trong triển khai hợp tác thực tập, phái cử sinh viên sau tốt nghiệp sang Nhật Bản, tạo điều kiện cho sinh viên điều dưỡng có những điều kiện học tập nâng cao trình độ, ngôn ngữ, chuyên môn, văn hóa, với mục tiêu là tham gia công tác chăm sóc người bệnh ở Nhật Bản. Đây là lĩnh vực mới, nhu cầu lao động ở Nhật Bản lại đang lớn, mức thu nhập cao nên đang được nhà trường thúc đẩy.
Lãnh đạo Trường đại học Y – Dược chia sẻ, “bức tranh” hợp tác đa dạng, mở rộng đó càng giúp đầu ra của nhà trường ngày càng tốt và chất lượng. Hiện nay, có một chỉ số rất quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo là số lượng sinh viên ra trường có được việc làm phù hợp, đủ sớm. Riêng đối với với ngành điều dưỡng tại Trường đại học Y – Dược, bên cạnh các vị trí ở các khối công lập, các đơn vị tư nhân trong nước, cơ hội đang rất rộng mở tại thị trường Nhật Bản.
Thị trường Nhật Bản đang rộng mở với Đại học Huế. Như tại Trường đại học Ngoại ngữ hiện nay đang có chính sách thúc đẩy việc hợp tác với các doanh nghiệp, nhằm tạo thêm cơ hội cho sinh viên của trường được tham gia học tập kinh nghiệm, thực tập trong môi trường thực tế. Mới đây, trường này ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Mikazuki Nhật Bản để tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại các khách sạn Mikazuki ở Nhật Bản. Hai bên sẽ triển khai chương trình thực tập cho sinh viên của trường tại Mikazuki Nhật Bản trong năm học 2023 – 2024 này.
Đại diện Tập đoàn Mikazuki nhấn mạnh, doanh nghiệp đảm bảo hoạt động thực tập của sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ phù hợp với ngành đào tạo, giúp sinh viên có cơ hội giao tiếp và phát triển kỹ năng ngôn ngữ, học hỏi về văn hóa Nhật Bản nói chung và văn hóa làm việc của người Nhật nói riêng. Quan trọng hơn là luôn tạo ra cơ hội việc làm cho các học viên sau khi được học tập, thực hành tại Nhật Bản, bởi vì nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch ở Nhật Bản đang rất thiếu.
TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Huế đánh giá, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực đào tạo ra cần đáp ứng được các nhu cầu quốc tế. Khi làm tốt điều đó sẽ tăng thêm những cơ hội về môi trường làm việc tốt, có thu nhập cao và phát huy hết năng lực bản thân. Việc hợp tác để đào tạo ra nguồn lao động “toàn cầu” là xu hướng tất yếu, đã và đang được Đại học Huế đẩy mạnh. Tính hiệu quả trong hợp tác quốc tế còn là tiền đề để Đại học Huế có lộ trình trở thành Đại hoc Quốc gia thuận lợi.