Nhật Bản khuyến khích sinh viên du học

Chính phủ Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến khích sinh viên ra nước ngoài học tập dài hạn.

Thúc đẩy du học giúp Nhật Bản đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa.

Thúc đẩy du học giúp Nhật Bản đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh đồng yên suy yếu và chi phí du học ngày càng tăng cao, Chính phủ Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến khích sinh viên ra nước ngoài học tập dài hạn.

Mục tiêu là thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ có năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời khắc phục sự sụt giảm đáng kể trong số lượng sinh viên du học toàn thời gian sau đại dịch.

Giá trị đồng yên hiện tại giảm hơn 30% kể từ năm 2023. Điều này khiến chi phí du học vốn đã đắt đỏ càng trở nên khó tiếp cận hơn với sinh viên Nhật Bản. Trong khi đó, học phí tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ có thể cao gấp 3 lần ở Nhật.

Không chỉ vậy, sinh viên Nhật Bản còn lo ngại việc đi du học sẽ làm gián đoạn quá trình tìm kiếm việc làm, vốn bắt đầu từ năm 2 đại học, và thường được xác nhận vào năm 3. Trong khi hơn 90% sinh viên tốt nghiệp đại học 4 năm tại Nhật Bản tìm được việc làm ngay sau khi ra trường, sự an toàn và ổn định của hệ thống trong nước khiến nhiều sinh viên không mặn mà với việc “liều mình” bước ra thế giới.

GS Yuriko Sato - chuyên gia về Toàn cầu hóa giáo dục đại học tại Đại học Tokyo Keizai, cho biết: “Sinh viên Nhật thấy an toàn hơn khi ở lại trong nước. Việc học bằng ngoại ngữ, thích nghi văn hóa và rủi ro nghề nghiệp là những rào cản tâm lý lớn”.

Nhằm đảo ngược xu hướng này, chính phủ và các trường đại học đang mở rộng quy mô và phạm vi học bổng. Một số trường đã cung cấp học bổng toàn phần, bao gồm cả vé máy bay, cho sinh viên được chọn. Ví dụ, Đại học Ngoại ngữ Nagoya đã gửi 250 sinh viên đi du học trong năm 2024, chủ yếu cho các chương trình kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, mục tiêu của họ là tăng số lượng sinh viên học tập từ hai năm trở lên.

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, khoảng 21 nghìn sinh viên đã nhận được học bổng quốc gia để du học ngắn hạn vào năm 2024. Tuy nhiên, chỉ có 398 sinh viên học sau đại học và 265 sinh viên học đại học ở nước ngoài theo hình thức toàn thời gian, cho thấy nhu cầu đối với các chương trình dài hạn vẫn rất thấp. Trước thực trạng đó, chính phủ đã tăng ngân sách công cho các chương trình học bổng và trao đổi sinh viên từ 33,2 tỷ yên năm 2023 lên 34,6 tỷ yên trong năm 2024.

Một trong những chương trình nổi bật là sáng kiến Tobitate! Du học Nhật Bản, triển khai từ năm 2014. Chương trình này tài trợ cho sinh viên du học ngắn hạn, với các chủ đề học tập bao gồm STEM, đổi mới và đa dạng. Tuy nhiên, khoa học xã hội và nhân văn vẫn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên.

Cuộc khảo sát năm 2024 của Tobitate cho thấy hơn 80% sinh viên vẫn có hứng thú với đại học quốc tế, nhưng đồng yên yếu là rào cản lớn. Đồng thời, khoảng 20% phụ huynh được hỏi cho biết họ không đủ khả năng tài chính để hỗ trợ con đi du học.

Bà Tomoko Nishikawa, người phát ngôn của Tobitate tại Bộ Giáo dục, năm 2024 cho biết: “Phụ huynh không thấy rõ lợi ích khi đầu tư tiền tiết kiệm cho giáo dục nước ngoài. Do đó, chúng tôi tổ chức các hội thảo để thay đổi nhận thức công chúng”.

Trong bối cảnh các điểm đến như Malaysia hay Singapore ngày càng được sinh viên Nhật Bản ưa chuộng nhờ chi phí thấp và cơ hội cải thiện tiếng Anh, Nhật Bản đang cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các sáng kiến du học và giải quyết các rào cản tâm lý, xã hội để đưa thế hệ trẻ ra thế giới - một bước đi thiết yếu trong chiến lược toàn cầu hóa của quốc gia.

Bà Tomoko Nishikawa - người phát ngôn của Tobitate tại Bộ Giáo dục, năm 2024 cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận hơn 1,3 nghìn đơn đăng ký từ 224 trường đại học, với 255 sinh viên được chọn nhận học bổng. Tuy nhiên, nguồn tài trợ cũng đang giảm mạnh do các tập đoàn e ngại về tình hình kinh tế. Từ năm 2013 đến 2022, chương trình đã huy động được 12,3 tỷ yên. Trong khi đó, giai đoạn hai của chương trình (2023 - 2027) mới chỉ thu được 4,1 tỷ yên”.

Theo University World News

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhat-ban-khuyen-khich-sinh-vien-du-hoc-post727758.html
Zalo