Nhật Bản-Hàn Quốc xem xét khôi phục đối thoại an ninh song phương
Hai bên dự kiến sẽ nhất trí nối lại đối thoại an ninh trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo vào ngày 16/3 tới.
Một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 15/3 cho biết nước này và Hàn Quốc đang cân nhắc nối lại các cuộc đối thoại an ninh giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng của hai nước, một dấu hiệu nữa cho thấy nỗ lực cải thiện quan hệ song phương của Tokyo và Seoul.
Theo nguồn tin trên, hai bên dự kiến sẽ nhất trí nối lại đối thoại an ninh trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 16/3 tới.
Mục đích của đối thoại an ninh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là nhằm xây dựng lòng tin giữa các cơ quan chính sách đối ngoại và quốc phòng của hai nước. Cuộc đối thoại đầu tiên đã diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 6/1998.
Tuy nhiên, cơ chế đối thoại này đã bị đình trệ kể từ năm 2018, khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn trong vụ kiện liên quan tới lao động cưỡng bức thời chiến.
Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon Suk-yeol được lên kế hoạch sau khi Seoul chính thức đề xuất phương án bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến thông qua một quỹ công, do các doanh nghiệp nước này quyên góp, thay vì trực tiếp từ các công ty Nhật Bản liên quan.
Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol kể từ khi ông lên nắm quyền và chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc trong gần 4 năm.
Đánh giá về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 14/3 cho biết các quan chức Mỹ “rất hoan nghênh” cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này.
Theo ông Price, cuộc gặp này sẽ là minh chứng rõ nét về những nỗ lực của các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ.
Ông Price cũng nhấn mạnh rằng 3 nước hiện có mối quan hệ ba bên đặc biệt quan trọng, giúp ứng phó hiệu quả hơn các thách thức chính tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn./.