Nhật Bản dùng AI khắc phục tình trạng thiếu nhân lực quốc phòng trầm trọng

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ (SDF) nước này đang đối diện tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng nhất trong vòng 7 thập kỷ qua, với số lượng các đợt tuyển quân thấp kỷ lục so với nhu cầu cần thiết.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về dân số giảm và già hóa dân số, giải pháp đưa ra là Bộ Quốc phòng nước này đang tập trung tăng cường sử dụng vũ khí tự động, đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như tăng các khoản hỗ trợ cho các quân nhân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành quốc phòng tại Nhật Bản

Tình trạng thiếu hụt nhân lực ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với các mục tiêu an ninh - quốc phòng của Nhật Bản và không dễ giải quyết. Nhất là khi tình hình an ninh trong khu vực đang trở nên khắc nghiệt, với những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản với Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chưa có hồi kết. Các vụ máy bay và tàu quân sự của Nga, Trung Quốc đi vào không phận và hải phận Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên đẩy mạnh phát triển hạt nhân – tên lửa với những vụ phóng thử rầm rộ bao gồm cả tên lửa liên lục địa….

Dù có trang thiết bị, khí tài quân sự hiện đại đến đâu, và có chiến lược hiệu quả đến đâu đi chăng nữa, thì để sử dụng và thực hiện, vẫn chưa có gì thay thế được yếu tố con người. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa được công bố hôm 9/11 vừa qua, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang bị thiếu 24.000 binh sỹ. Liên tục trong 5 năm trở lại đây, các hoạt động tuyển quân diễn ra liên tiếp nhưng không tuyển được đủ định số.

Cụ thể, năm 2019 là năm tuyển dụng được cao nhất cũng chỉ đạt 90% chỉ tiêu, năm 2022 giảm xuống 66%, và năm 2023 chỉ tuyển được gần 1.000 binh sỹ, tương đương khoảng 51% chỉ tiêu. Đây là mức thấp nhất kể từ khi lực lượng phòng vệ Nhật Bản được thành lập cho đến nay. Kèm theo đó là số lượng binh sỹ xin phục viên – giải ngũ trước hạn trong năm 2023 cũng tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 30 năm qua, do áp lực của môi trường công việc và một số nguyên nhân khác như: chế độ đãi ngộ với binh sỹ không tương xứng với điều kiện xã hội hiện nay, nhưng đáng chú ý hơn cả cách hành xử của các sỹ quan chỉ huy đối với thuộc cấp. Nhật Bản hiện nay xuất hiện một loạt thuật ngữ mới liên quan đến từ quấy rối (harassment) trong đó có thuật ngữ quấy rối bằng quyền lực (power harassment).

Giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định kỷ luật nặng 218 sỹ quan cao cấp vì những vi phạm rất đáng hổ thẹn, trong đó có vấn lạm dụng quyền lực. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lúc đó là ông Kihara Minoru đã buộc phải thay thế Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển và tự phạt bản thân mình 01 tháng lương nộp vào công quỹ để tạ lỗi với binh sỹ. Với bối cảnh đó, việc giải quyết tình trạng thiếu binh sỹ là không đơn giản, bởi vì lương có cao đến mấy mà bị chỉ huy ép buộc thì ít người chịu nổi. Dự báo, trong ít nhất là 3 năm tới, Nhật Bản vẫn chưa thể giải quyết vấn đề này trong khi vẫn tiếp tục chịu những áp lực nặng nề từ môi trường an ninh khắc nghiệt hiện nay.

Chiến lược liệu có khả thi

Việc sử dụng vũ khí tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự cũng như giảm thiểu nguy hiểm cho con người, là hoàn toàn khả thi và có hiệu quả cao, bởi vì, Nhật Bản có thừa khả năng tài chính, kỹ thuật để thực hiện. Hiện nay, nước này đang đẩy mạnh phát triển và mua thêm máy bay không người lái, sử dụng AI và các camera vào việc cảnh giới không phận, hải phận, giám sát các hoạt động trên biển và trên không, trên bộ, tăng dầy thêm hệ thống phòng thủ tên lửa cả trên bộ, trên biển và trên không với các tên lửa hành trình tàng hình không đối đất... Nhưng cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế.

Cho đến tận bây giờ, vẫn chưa có gì thay thế được yếu tố con người. Ví dụ như hiện nay, Nhật Bản đang đầu tư lớn cho việc phát triển và mua thêm các thiết bị bay không người lái, coi đây là một trụ cột chính trong quá trình gia tăng nguồn lực quốc phòng. Thế nhưng, dưới mặt đất vẫn phải có người điều khiển. Nếu trí tuệ nhân tạo thay thế được con người hoàn toàn, sẽ là một đe dọa lớn với sự tồn tại và thống trị của loài người trên trái đất, giống như loạt phim hành động viễn tưởng “Kẻ hủy diệt” của Mỹ.

Do đó, về lâu về dài, Nhật Bản vẫn đang tìm mọi biện pháp có tính bền vững để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực. Biện pháp đầu tiên là cải thiện chế độ đã ngộ với binh sỹ. Trong năm tài chính 2024 này, Nhật Bản đã tăng ngân sách dành cho quốc phòng thêm 17% so với năm trước, lên tới gần 7.950 tỷ Yên (tương đương khoảng 54,8 tỷ USD), trong đó có một tỷ lệ đáng kể dành để tăng lương cho binh lính.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng các khoản hỗ trợ thanh toán một lần cho việc tuyển dụng binh sỹ có thời hạn cố định, từ mức 221.000 yên (tương đương hơn 38 triệu VNĐ) hiện nay lên 500.000 yên (tương đương hơn 86 triệu VNĐ). Song song với đó là các biện pháp nâng cấp điều kiện sinh hoạt tại các doanh trại, sử dụng tự động hóa để giảm mức độ lao lực và nguy hiểm cho binh sỹ.

Đặc biệt là các biện pháp giáo dục được tiến hành đồng thời với việc tăng nặng các chế tài đối với các vi phạm như lạm dụng quyền lực, tham nhũng trong quân ngũ... Ngoài ra, còn có các chiến dịch tuyên truyền, cổ động nhằm vào thanh niên, đối tượng tuyển dụng chủ yếu, trong đó nêu bật trách nhiệm và sự tự hào, vinh quang khi đứng trong quân ngũ... Tuy nhiên, cho đến tận thời điểm hiện tại, đây vẫn là vấn đề làm đau đầu các quan chức chính phủ Nhật Bản, bao gồm cả thủ tướng Ishiba Shigeru.

Nhật Bản tăng sức cạnh tranh ngành quốc phòng

Nhật Bản đã đặt mục tiêu tiến tới chi 43.000 tỉ yên (khoảng 297 tỉ USD) cho đến năm tài khóa 2027, nhằm tăng gấp đôi chi tiêu quân sự hàng năm lên khoảng 10.000 tỉ yên - đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Trong kế hoạch tăng sức cạnh tranh ngành quốc phòng Nhật Bản, có một hàm lượng rất lớn, vào khoảng gần 20% là để giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn lực con người, coi đây là yếu tố căn bản đối với quá trình nâng cao năng lực phòng vệ tổng hợp. Con số 43.000 tỷ Yên là do chính phủ của thủ tướng tiền nhiệm Kishida Fumio đưa ra. Còn thủ tướng hiện nay là ông Ishiba Shigeru lại có cách nhìn nhận khác.

Tại nhiều diễn đàn, trong đó có kỳ họp thứ 214 của Hạ viện Nhật Bản, ông Ishiba Shigeru cho rằng, mức dự trù này được tính toán trong bối cảnh giá trị đồng Yên đang ở mức cao, còn hiện nay, khi đồng Yên mất giá, con số này là không phù hợp và cần được tăng thêm, nhất là khi được đặt trong mối tương quan với Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ.

Do đó, đến năm 2028, con số này sẽ tăng, ít nhất là tăng tương ứng với tỷ lệ trượt giá của đồng Yên so với đồng USD. Liên quan đến yếu tố con người, kế hoạch này cũng đưa ra một số giải pháp tình thế như: cải thiện phúc lợi trong Lực lượng phòng vệ, tăng mức các khoản lương - thưởng, nới lỏng quy định để cho phép tuyển dụng lại những sỹ quan đã đến hạn xuất ngũ. Việc tuyển dụng lại những sỹ quan đã đến hạn xuất ngũ, được coi là rất hiệu quả, bởi, vì sẽ tiết kiệm được chi phí huấn luyện, đào tạo, tận dụng được kinh nghiệm quý giá về tác chiến, về khí tài, thiết bị.

Tuy nhiên, tỷ lệ những người đồng ý ở lại vẫn đang ở mức thấp. Một hợp phần quan trọng nữa của kế hoạch này là khâu đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp và kỹ thuật quốc phòng, song song với đào tạo lực lượng tác chiến tinh nhuệ. Mục tiêu của chính phủ và bộ quốc phòng Nhật Bản là trong năm tài tính 2025 (tính từ 1/4/2025~31/3/2026), phải lấp đầy khoảng trống thiếu hụt 24.000 binh sỹ so với định số 247.000 nhân sự hiện nay. Tuy nhiên, mục tiêu này có thực hiện được hay không vẫn là một câu hỏi và nghi vấn lớn. Trong bối cảnh nhà nhà thiếu người, ngành ngành thiếu người như hiện nay của Nhật Bản, đây sẽ tiếp tục là một mục tiêu bất khả thi ít nhất trong 3 năm tới.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-dung-ai-khac-phuc-tinh-trang-thieu-nhan-luc-quoc-phong-tram-trong-post1137838.vov
Zalo