Nhật Bản: Diện tích nhà ở thu hẹp xuống mức nhỏ nhất trong 30 năm

Diện tích nhà ở tại Nhật Bản đang ngày càng thu hẹp, với diện tích sàn trung bình giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm.

Một đại lộ ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Một đại lộ ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Diện tích nhà ở tại Nhật Bản đang ngày càng thu hẹp, với diện tích sàn trung bình giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Tổng diện tích mỗi ngôi nhà là khoảng 92 m2, giảm 3 m2 so với năm đỉnh điểm 2003, theo cuộc khảo sát mới nhất của chính phủ được tiến hành vào năm 2023.

Một trong những lý do chính khiến diện tích nhà ở thu hẹp là chi phí xây dựng tăng. Các nhà xây dựng đang thiết kế những ngôi nhà nhỏ hơn để giữ giá thấp và duy trì biên lợi nhuận của họ, tương đương với "một đợt tăng giá lén lút". Các nhà phân tích cảnh báo rằng những người trẻ tuổi có thể ngần ngại kết hôn và sinh con nếu nhà quá chật chội.

Theo Khảo sát nhà ở và đất đai của Bộ Nội vụ và Truyền thông được tiến hành 5 năm một lần, quy mô nhà ở tại Nhật Bản đã tăng lên, bắt đầu từ những năm 1960, trước khi đạt đến mức trần vào những năm 2000. Trong 5 năm qua, tình trạng thu hẹp quy mô đã trở nên rõ ràng.

Quy mô trung bình của nhà ở gia đình đơn lẻ và các căn hộ chung cư, bao gồm chung cư và căn hộ cho thuê, đã giảm so với cuộc khảo sát năm 2018. Đặc biệt, các căn hộ chung cư trung bình có diện tích khoảng 50 m2 trong cuộc khảo sát mới nhất, thấp hơn 55 m2 mà chính phủ định nghĩa là cần thiết cho "cuộc sống thoải mái" cho hai người lớn ở các khu vực thành thị.

"Chúng tôi cảm thấy như mình đang bị nghẹt thở, nhưng không còn lựa chọn nào khác", một người phụ nữ ngoài 50 tuổi sống cùng chồng trong một ngôi nhà cho thuê chỉ rộng khoảng 30 m2 cho biết. Cặp đôi này đã nghĩ đến việc chuyển đi, nhưng không đủ khả năng mua nhà, hoặc thậm chí là thuê một ngôi nhà lớn hơn gần nơi làm việc.

"Khảo sát thống kê về khởi công xây dựng" do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch công bố chỉ ra rằng nhà ở tại Nhật Bản đã thu hẹp hơn nữa kể từ đầu năm 2024. "Giá thành cộng thêm là lý do lớn nhất khiến nhà ở ngày càng nhỏ hơn", nhà nghiên cứu Tadashi Matsuda tại Viện Kinh tế Bất động sản cho biết.

Nhu cầu về những ngôi nhà rộng rãi đang giảm dần. Trong số những lý do: Cuộc điều tra dân số quốc gia cho thấy các hộ gia đình một người hiện chiếm 38% tổng số, tăng 3,5 điểm phần trăm so với giai đoạn 5 năm đến năm 2020. Thế nhưng ngay cả trong số những người sống một mình, "rất nhiều người cảm thấy nhà của họ quá nhỏ để chứa đồ và các lý do khác", ông Matsuda cho biết. "Trong nhiều trường hợp, mọi người đang phải chịu đựng không gian sống bị thu hẹp lại để phù hợp với nhu cầu của chính các nhà cung cấp".

Trong khi đó, chi phí xây dựng đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Chỉ số giảm phát cho chi phí xây dựng, do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch tính toán, hiện cao hơn khoảng 30% so với năm cơ sở của năm tài chính 2015. Giá đất đang tăng ở các khu dân cư đông đúc.

Nhà phân tích Masayuki Takahashi tại công ty nghiên cứu bất động sản Tokyo Kantei, cho biết: "Nhu cầu về nhà ở sẽ không giữ được vì giá sẽ tăng quá cao nếu chi phí cao hơn được chuyển trực tiếp cho người mua. Các động thái nhằm kiểm soát giá headline bằng cách thu hẹp diện tích nhà ở đã gia tăng".

Thực tế thu hẹp quy mô sản phẩm trong khi vẫn giữ nguyên giá đã thu hút sự chú ý trên thị trường thực phẩm và các thị trường khác. Những "đợt tăng giá lén lút" này cũng đang diễn ra trên thị trường nhà ở. "Trong các căn hộ chung cư, việc sử dụng vật liệu rẻ tiền ở lối vào và các khu vực chung khác là điều đáng chú ý, cũng như việc thu hẹp quy mô căn hộ chung cư", Chủ tịch Hirokazu Fuchinoue của Condominium Asset Management cho biết.

Nhu cầu về nhà xây dựng theo đặt hàng, thường đắt hơn và rộng rãi hơn, đã giảm mạnh. Số lượng nhà ở khởi công cho những nơi ở như vậy đã giảm theo từng năm, trong gần ba năm tính đến tháng Chín. "Trong khi số lượng người đủ khả năng mua những ngôi nhà lớn được xây dựng theo đặt hàng đã giảm, những người giàu có lại thích căn hộ chung cư ở trung tâm thành thị hơn là nhà ở gia đình đơn lẻ ở vùng ngoại ô so với trước đây", nhà phân tích Takahashi cho biết.

Các xu hướng gần đây đang khiến những người trẻ tuổi khó thâm nhập vào thị trường nhà ở hơn. Người lao động phải quay trở lại văn phòng khi đại dịch COVID-19 đã trở nên ít nghiêm trọng hơn. Và mặc dù khả năng tiếp cận giao thông thuận tiện là yếu tố chính đối với những người muốn mua nhà, đặc biệt là các cặp vợ chồng đi làm, nhưng rất khó để tìm được những căn hộ rộng rãi ở những vị trí thuận tiện.

"Chúng tôi đang cân nhắc mua một căn hộ chung cư rộng rãi, nhưng không đủ khả năng mua một căn hộ mới. Ngay cả những căn hộ chung cư đã qua sử dụng cũng nằm ngoài tầm với của chúng tôi, tùy thuộc vào vị trí", một phụ nữ ngoài 30 tuổi ở Yokohama, phía Tây Nam Tokyo cho biết. Hiện tại, cô và chồng đang sống trong một căn hộ hai phòng ngủ rộng khoảng 50 m2. Mặc dù cặp đôi muốn chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn, nhưng họ có một bất đồng cần giải quyết. Người vợ muốn một căn hộ giá rẻ ngay cả ở vùng ngoại ô, trong khi người chồng coi một ngôi nhà mới là một tài sản, và do đó nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí và thương hiệu.

Mọi người có thể không muốn lập gia đình nếu không có nơi cư trú ổn định. Ông Fuchinoue cho biết những ngôi nhà nhỏ "cuối cùng có thể buộc các cặp đôi từ bỏ số lượng con mà họ muốn và làm trầm trọng thêm tỷ lệ sinh đang giảm".

Thật khó để phá vỡ xu hướng hướng đến những ngôi nhà nhỏ hơn chỉ thông qua chính sách nhà ở. Chuyên gia Takahashi cho rằng: "Giá nhà đã tăng trong thời kỳ tăng trưởng cao. Thế nhưng tiền lương cũng tăng vào thời điểm đó và số lượng người có thể sở hữu được những ngôi nhà lớn hơn trước cũng đã tăng”. Ông cho rằng tiền lương tăng ổn định theo giá trị thực tế nắm giữ chìa khóa để đảo ngược tình hình hiện tại".

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-dien-tich-nha-o-thu-hep-xuong-muc-nho-nhat-trong-30-nam/360825.html
Zalo