Nhật Bản chật vật tìm lại sức mạnh công nghệ sau 'ba thập kỷ mất mát'
Nhật Bản đang nỗ lực chi hàng tỷ đô và hợp tác với các công ty nước ngoài để lấy lại sức mạnh công nghệ sau 'ba thập kỷ mất mát'…
Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Nhật Bản nổi lên như một cường quốc châu Á thống trị nền công nghệ toàn cầu. Vào những năm 1990, ảnh hưởng mạnh mẽ của Nhật Bản gây ra mối đe dọa đối với nền kinh tế của Mỹ. Thế nhưng, bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán sụp đổ cũng đã khiến nền công nghiệp Nhật Bản bắt đầu trượt dốc.
ĐẦU TƯ HÀNG CHỤC TỶ ĐỂ LÀM SỐNG DẬY NGÀNH CÔNG NGHỆ QUỐC GIA
Hiện tại, sau thời kỳ trì trệ mà Bộ Kinh tế Nhật Bản gọi là "ba thập kỷ mất mát", quốc gia này đang xây dựng chính sách công nghiệp trị giá hàng tỷ đô để khởi động lại nền kinh tế và giành lại vị thế công nghệ. Chính sách công nghiệp Nhật Bản tập trung phát triển các công nghệ tiên tiến, từ pin đến tấm pin mặt trời, nhưng ưu tiên là giành lại thị phần ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Để hiện thực hóa những tham vọng này, chính phủ Nhật Bản đã dành hơn 27 tỷ USD trong 3 năm qua đồng thời nỗ lực tiếp cận hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, thực tế, Mỹ cũng đang bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng khác khỏi ảnh hưởng của nước ngoài và điều này đã gây ảnh hưởng đến tham vọng khôi phục vị thế của quốc gia châu Á.
“Trong tương lai, thế giới sẽ chia thành hai nhóm: nhóm có thể cung cấp chất bán dẫn và nhóm chỉ tiếp nhận chúng. Đó là những người chiến thắng và kẻ thua cuộc”, Akira Amari, một quan chức cấp cao của Nhật Bản, người trước đây từng lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết.
Mặc dù các quốc gia khác cũng đang chi hàng tỷ đô để giành lợi thế, nhưng dù sao Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có nền công nghệ phát triển bậc nhất.
“Nhật Bản không cần phải bắt đầu từ con số 0”, Alessio Terzi, một nhà kinh tế tại Ủy ban Châu Âu cho biết. “Đây đã là điều khiến Nhật Bản khác biệt so với các quốc gia khác”.
NHẬT BẢN KHÔNG BAO GIỜ BỊ BỎ LẠI TRONG "CUỘC CHƠI BÁN DẪN"
Nỗ lực công nghiệp mới của Nhật Bản đang hình thành tại Hokkaido, hòn đảo cực bắc của nước này. Một bản phác thảo sơ bộ về nhà máy bán dẫn mới của Rapidus Corporation vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Theo nguồn tin từ tờ New York Times, nhà máy được Chính phủ Nhật tài trợ hàng tỷ đô, đồng thời được hợp tác phát triển với Rapidus, một nhà sản xuất chip mới thành lập của Nhật Bản và công ty công nghệ Mỹ IBM. Nhà máy sẽ sản xuất chip 2 nanomet, một công nghệ tiên phong của IBM.
Quan hệ đối tác được hình thành vào mùa hè năm 2020 thông qua một cuộc gọi điện từ John E. Kelly III, một giám đốc điều hành tại IBM tới Tetsuro Higashi – Chủ tịch Rapidus giải thích rằng IBM đang phát triển một thế hệ chip mới và muốn sản xuất chúng tại Nhật Bản.
Khi ấy ông Tetsuro Higashi xác định đây là thời điểm chín muồi “hoặc không bao giờ”. Ông cho biết Nhật Bản, từng là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới, nhưng thị phần đã giảm từ hơn một nửa vào những năm 1980 xuống còn dưới 10% thời điểm hiện tại. Ông Tetsuro Higashi khẳng định nếu không hành động “Nhật Bản sẽ ngày càng tụt hậu về công nghệ”.
Sau đó, ông Tetsuro Higashi đã liên hệ với ông Amari, người đại diện của Chính phủ Nhật về chính sách công nghiệp.
“Quốc gia nào không tham gia vào ngành bán dẫn, quốc gia đó sẽ bị bỏ lại, Nhật Bản sẽ không bao giờ là quốc gia đó”, một quan chức Nhật Bản nói với tờ New York Times.
Năm 2020, Nhật Bản bổ sung thêm các khoản trợ cấp để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn, tua bin gió,... Năm 2021, Bộ Thương mại Nhật Bản đưa ra chính sách công nghiệp quyết liệt hơn, sau khi chính phủ buông lỏng quá mức đối với nền kinh tế.
Nhật Bản đã thử cách tiếp cận hoàn toàn mới trong nước để phục hồi ngành công nghiệp chip đang suy yếu. Họ sáp nhập một số doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu của Nhật Bản thành một thực thể và sau đó đầu tư công và cho vay.
Ngành công nghiệp bán dẫn ngày nay là một chuỗi cung ứng toàn cầu: Các công ty Đài Loan sản xuất chip được thiết kế tại Mỹ, sử dụng thiết bị từ Hà Lan và Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản đang nỗ lực lôi kéo TSMC, gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan, xây dựng một nhà máy ở thị trấn Kikuyo phía nam với khoản đầu tư từ các công ty trong nước bao gồm Sony. Nhà máy được chính phủ tài trợ một phần, đã đi vào hoạt động vào tháng 2.
"Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, nhiều dự án hiện đang được triển khai tại Nhật Bản có thể sẽ không thành hiện thực", Viện Brookings (viện nghiên cứu chính sách Hoa Kỳ) từng lưu ý.