Nhật Bản chao đảo vì khủng hoảng gạo

Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với nền nông nghiệp công nghệ cao đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng gạo chưa từng có.

Giá gạo tăng chóng mặt do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng và tâm lý hoang mang của người tiêu dùng đang đặt ra thách thức lớn cho ngành Nông nghiệp nước này, làm giảm mức độ tín nhiệm đối với Thủ tướng Shigeru Ishiba và đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Giá gạo tại Nhật Bản tăng gần 100% trong thời gian qua. Ảnh: JTP

Giá gạo tại Nhật Bản tăng gần 100% trong thời gian qua. Ảnh: JTP

Theo dữ liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố, giá gạo đã tăng 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Loại gạo thơm ngon phổ biến Koshihikari có giá 5.000 yên (khoảng 35 USD)/5kg. Các loại gạo khác tăng ở mức 4.200 yên (khoảng 29 USD)/5kg. Các biện pháp khẩn cấp như khai thác kho dự trữ gạo của Chính phủ chưa thể làm bình ổn thị trường.

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng gạo tại đất nước Mặt trời mọc. Thứ nhất là tâm lý hoảng loạn do tin đồn về một trận động đất lớn khiến người dân đổ xô tích trữ hàng hóa, trong đó có gạo. Thứ hai là cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài ảnh hưởng nặng nề tới tuyến xuất khẩu lúa mì từ Ukraine, vốn là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Tình trạng thiếu lúa mì khiến thị trường tiêu dùng có xu hướng thay thế bằng gạo. Thứ ba là sự phục hồi của ngành Du lịch Nhật Bản, trong đó dịch vụ khách sạn bùng nổ, cũng làm tăng nhu cầu về gạo.

Ngoài ra, hậu quả của mùa hè nắng nóng bất thường vào năm 2023 dẫn đến sản lượng thu hoạch thấp cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tới các kho dự trữ gạo. Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy, lượng gạo dự trữ tại các hợp tác xã nông nghiệp và các nhà bán buôn thương mại khác thiếu hụt 400.000 tấn so với năm ngoái, đạt mức thấp kỷ lục 1,53 triệu tấn tính đến tháng 6-2025. Trong khi đó, vì các vụ lúa vừa mới được gieo trồng, nên ít nhất 3-4 tháng nữa mới có thể thu hoạch.

Gạo không chỉ là thực phẩm chính ở Nhật Bản mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa, lịch sử và thậm chí là tâm linh. Cuộc khủng hoảng chưa từng có đang làm bộc lộ những điểm yếu trong nền kinh tế của nước này. Việc Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu cho hơn một nửa lượng lương thực, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sự thay đổi nhân khẩu học và căng thẳng thương mại toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng phục hồi kinh tế của đất nước. Dù thời gian qua Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tập trung vào việc đấu giá dự trữ gạo, nhưng những thách thức kinh tế cơ bản vẫn tồn tại.

Theo dữ liệu mới từ Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã tăng lên 3,5% vào tháng 4-2025. Đây là tốc độ tăng hằng năm nhanh nhất trong hơn 2 năm qua. BOJ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng, bao gồm giá dầu nhưng không bao gồm thực phẩm tươi sống, cũng đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu không thể kiểm soát tình hình, cuộc khủng hoảng giá gạo có thể ảnh hưởng tới tương lai của Thủ tướng Shigeru Ishiba và đảng Dân chủ Tự do cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào cuối năm nay. Kết quả thăm dò dư luận gần đây của các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ chấp thuận với Nội các của ông Shigeru Ishiba đã giảm xuống còn 27,4% trong tháng 5, thấp hơn 5 điểm phần trăm so với tháng 4.

Bộ trưởng Nông nghiệp Taku Eto mới đây cũng đã phải từ chức sau tuyên bố "chưa bao giờ phải mua gạo" vì được những người ủng hộ tặng rất nhiều gạo. Mặc dù ông Taku Eto dường như muốn nói đùa, song phát ngôn này được coi là không phù hợp với cử tri, những người đang phải đối mặt với mức lạm phát cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp cũng đang bị chỉ trích vì trì hoãn việc mở cửa các kho dự trữ gạo khẩn cấp, vốn thường được giữ lại để phòng ngừa thảm họa. Cho đến nay, chỉ có 10% lượng gạo dự trữ được đưa ra thị trường làm dấy lên nghi ngờ về khả năng điều hành của Chính phủ. Việc đánh giá sai cán cân cung - cầu của cơ quan quản lý cũng đang bị các cử tri chất vấn.

Tân Bộ trưởng Nông nghiệp Shinjiro Koizumi đặt mục tiêu đưa giá gạo trở lại mức khoảng 3.000 yên (khoảng 20 USD)/5kg. Trước mắt, Chính phủ đưa ra kế hoạch ký hợp đồng tự nguyện phân phối gạo từ kho dự trữ và dỡ bỏ giới hạn về mặt số lượng cho đợt bán tiếp theo để nhanh chóng ổn định giá. Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản cáo buộc một số nhà buôn đang lợi dụng chính sách này để đầu cơ, tích trữ gạo để bán lại với giá cao hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, bởi các vấn đề về cấu trúc trong chính sách gạo của Chính phủ. Những chính sách khắc phục nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chỉ có thể mang lại hiệu quả trong khoảng thời gian từ trung hạn đến dài hạn.

(Theo NHK, EAF)

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhat-ban-chao-dao-vi-khung-hoang-gao-703742.html
Zalo