Nhập nhằng nhãn hiệu gạo ST25
Hiện nay, nhiều loại gạo được gắn nhãn gạo ST25 để bán tràn lan trên thị trường với mức giá khác nhau. Sự nhập nhằng này khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn.
“Gạo ông Cua” là thương hiệu độc quyền thuộc sở hữu của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, gồm các dòng gạo ST24, ST25... Năm 2019, gạo ST25 đạt giải cao nhất tại cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Philippines. Hiện nay, “Gạo ông Cua” đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Từ thương hiệu “Gạo ông Cua”, nhiều địa phương đã sử dụng giống lúa ST25 để trồng và được doanh nghiệp đóng gói với những nhãn hiệu khác nhau. Đặc biệt, hiện nay, một số doanh nghiệp đóng gói gạo ST25 với nhãn hiệu “Gạo ông Vua” trên loại bao bì màu xanh pha vàng, loại bì màu vàng. Nhìn lướt qua, những bao bì này tương đối giống bao bì của “Gạo ông Cua”.
Bà Lê Thị Kim Phượng-Chủ cửa hàng gạo 84 Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) cho biết: “Hiện nay, gạo ST25 được các nhà sản xuất đóng gói với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Gạo ST25 bán khá chạy do người tiêu dùng ưa chuộng. Khoảng 1 tháng nay, giá gạo ST25 được điều chỉnh tăng khá mạnh, từ 280 ngàn đồng lên 340 ngàn đồng/bao 10 kg.
Nguyên nhân là do các nhà sản xuất không còn nhiều lúa để trữ như các năm trước. Bên cạnh đó, sản lượng gạo ST25 xuất khẩu lớn nên nguồn cung trên thị trường hạn chế. Từ đầu tháng 10 âm lịch trở đi, khi nguồn cung lúa dồi dào, giá gạo mới có thể hạ nhiệt”.
Cũng theo bà Phượng, một số khách hàng đến hỏi mua “Gạo ông Cua” nhưng nhiều cửa hàng bán lẻ không thể nhập về vì thương hiệu này quá lớn, sản lượng lại không nhiều và chủ yếu để xuất khẩu. Nếu “Gạo ông Cua” có bán trên thị trường thì giá khi tới tay người tiêu dùng lên đến 50 ngàn đồng/kg. Do đó, cửa hàng cũng bán gạo ST25 của tỉnh Sóc Trăng nhưng là “Gạo ông Vua”, “Đặc sản Sóc Trăng”…
Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh-Tổ trưởng Tổ Marketing và Dịch vụ khách hàng của Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho biết: Hiện tại, Siêu thị đang có 4 nhà cung cấp gạo ST25. Từ đầu năm đến nay, giá gạo đã một số lần điều chỉnh và hiện có thông báo tăng dự kiến từ đầu tháng 10 tới với mức 5-15% tùy nhà cung cấp.
Là khách hàng thường mua gạo ST25, bà Lý Thị Thu Thảo (tổ 3, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nhìn bên ngoài mẫu mã tuy giống nhau nhưng chất lượng thế nào thì chỉ khi ăn mới biết được. Tôi đã thử qua nhiều nhãn hiệu gạo ST25, có loại giá 340 ngàn đồng/bao 10 kg, có loại giá chỉ 240 ngàn đồng/bao 10 kg. Mình ăn thấy ngon thì tìm mua lại thôi chứ chẳng biết đâu là thật, đâu là giả cả”.
Tương tự, bà Trần Thị Lan (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Có lần, tôi đến cửa hàng gạo thì mới biết gạo ST25 có nhiều loại, giá chênh nhau đến 50 ngàn đồng/bao 10 kg. Trong khi đó, hình thức bao bì, nhãn hiệu nhìn lướt qua giống nhau như đúc, chỉ khác là loại đắt tiền hơn thì có cái nhãn ghi tên nhà đóng gói đính trên sợi dây cước kít miệng bao.
Chưa kể, nhiều nhãn hiệu còn in hình một người đàn ông và gắn tên “Gạo ông Vua” na ná như “Gạo ông Cua” nhưng tìm mãi trên bao bì không hề có thông tin nguồn gốc xuất xứ ở đâu. Sau đó, trên báo đài có thông tin nhiều nơi lợi dụng trà trộn gạo ST25 để bán với giá cao nên tôi đã chuyển qua mua tại siêu thị cho yên tâm”.
Về cách nhận biết gạo ST25 đảm bảo chất lượng, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cho biết: “Sản phẩm gạo ST25 có hạt thon, dài, nhỏ, màu trong đục hoặc trong trắng tùy đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu từng nơi. Ví dụ như gạo ST25 trồng ở Phú Thiện thì hạt có màu trong đục.
Gạo ST25 hiện có giá cao hơn các loại gạo thông thường rất nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn những nhà sản xuất uy tín qua việc kiểm tra trên bao bì, nhãn mác về nơi sản xuất, đóng gói; tem truy xuất nguồn gốc, đơn vị có sản xuất theo tiêu chuẩn nào không, có xây dựng mã vạch quản lý nguyên liệu từng vùng không”.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay, HTX Nông nghiệp Chư A Thai có vùng nguyên liệu 10 ha trồng lúa ST25. Mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 30 tấn gạo ST25. Trong bối cảnh giá gạo ST25 tăng rất mạnh nhưng HTX vẫn giữ ổn định giá 280 ngàn đồng/bao 10 kg.