Nhập lậu gia súc hoạt động ngang nhiên, địa phương vẫn làm ngơ
Bức xúc trước tình trạng nhập lậu động vật qua biên giới, cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phó Cục trưởng Cục C05 (Bộ Công an) đều phải thốt lên rằng: 'Người dân ngang nhiên lùa trâu bò lậu qua biên giới. Xe tải ngang nhiên chở gia súc lậu qua biên giới, chạy ầm ầm suốt đêm, thế mà địa phương vẫn cãi: Không có chuyện nhập lậu động vật'…
Chiều 21/5/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật.
NHẬP LẬU ĐỘNG VẬT VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, cho biết kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong năm 2024 lên tới 3,741 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm trước. Riêng trâu bò trong năm vừa qua, nước ta đã nhập khẩu 185,4 nghìn con trâu, bò, tăng 45% so với năm 2023, trong đó 96% là trâu, bò thịt. Cùng với đó, năm 2024, nước ta nhập khẩu gần 22,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị tương đương 7,7 tỷ USD.
Đề cập nhiệm vụ ngăn chặn nhập lậu động vật, ông Phạm Kim Đăng cho hay ngày 11/9/2024, Cục Chăn nuôi làm việc tại thành phố Móng Cái đã ghi nhận trong 8 tháng năm 2024 đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép động vật quan biên giới tại địa phương này.
Cụ thể: 12 vụ vận chuyển gia cầm giống (156.746 con gà, vịt con); 2 vụ động vật cảnh (1.458 con rùa cảnh, cá cảnh); 8 vụ vận chuyển động vật thủy sản (31.232 kg hải sâm, cà ra, tôm hùm đất, bào ngư, hàu giống…); 6 vụ vận chuyển sản phẩm động vật (34.182 kg chân gà, thịt vịt, trứng non, nội tạng, nầm…); 27 vụ vận chuyển các sản phẩm chế biến từ động vật (3.542 kg xúc xích, bánh bao nhân thịt lợn sống); 3 vụ vận chuyển trứng gia cầm (53.500 quả trứng gà, vịt, vịt biển). Các cơ quan chức năng phối hợp các địa phương thực hiện bắt giữ, xử lý tiêu hủy theo quy định.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết năm 2024, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc và gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Trước tình hình đó, Cục Thú y đã tham mưu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản: (i) Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/1/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật,.. qua biên giới vào Việt Nam; (ii) Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Riêng trong 20 ngày đầu tháng 1/2025, đã phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm với tổng số 11.647,44 kg sản phẩm động vật nhập lậu. Hiện nay, Cục Thú y đang chỉ đạo quyết liệt Cơ quan thú y thực hiện các biện pháp phòng, ngừa nhập lậu động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật về thú y. Các Chi cục Thú y vùng/Chi cục Kiểm dịch động vật cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,....để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
"Năm 2024 các Cơ quan quản lý Thú y đã phối hợp với địa phương xử lý 229 vụ vi phạm với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm; 1.122.564 con động vật và 242.772 kg sản phẩm động vật. So với cùng kỳ năm 2023 đã tăng lên 53 vụ vi phạm; 38.400 quả trứng gia cầm; 671.901 con động vật và 212.841 kg sản phẩm động vật nhập lậu".
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y.
Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục C05 (Bộ Công an) cho hay so với các năm trước, hiện các đối tượng nhập lậu gia súc, gia cầm hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
"Trâu bò ở Campuchia giá rất rẻ, lợn của Thái Lan cũng rất nhiều và rẻ. Thậm chí, lợn chết do dịch bệnh cũng được gom ở các tỉnh biên giới Tây Ninh, Long An, Bình Phước rồi đưa lên xe tải lớn vận chuyển vào sâu trong nội địa nước ta bán. Tại các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, các đối tượng trả công cao để người dân đuổi trâu, bò lậu qua biên giới hoặc các đầu nậu thuê các xe tự chế chở lợn qua lối mòn đưa vào trong nước để tiêu thụ", Đại tá Lê Thơm nêu thực trạng.
NHẬP LẬU DIỄN RA NGANG NHIÊN, ĐỊA PHƯƠNG NÓI KHÔNG THẤY
Đại tá Lê Thơm cho hay năm 2024, C05 đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực nhập lậu động vật trên 300 vụ với 188 đối tượng, phạt tiền trên 8 tỷ đồng, khởi tố 11 vụ với 18 bị can. Đơn cử, ngày 24/12/2024, C05 đã thu thập, xử lý đường dây nhập lợn từ Thái Lan về tỉnh Tây Ninh để tiêu thụ.
“Đúng 4h sáng, một 1 loạt xe tải nặng sang Campuchia nhập hàng rồi chở về Việt Nam, chúng tôi ập vào bắt giữ lái xe, phụ xe, mà công an tỉnh không hề biết gì, xã không biết, huyện không biết. Tất cả đối tượng đều khai nhận là chở hàng lậu từ Thái Lan, Campuchia về Việt Nam tổng số hàng lên tới 339 tấn. Khi chúng tôi đưa các đối tượng và tang vật về trụ sở Công an tỉnh Tây Ninh, sau đó Công an tỉnh gửi thông báo cho chính quyền địa phương thì địa phương mới biết. Sau vụ việc, cơ quan chức năng đã khởi tố 7 đối tượng", Đại tá Thơm kể lại.
Thông tin thêm về vụ việc khác, Đại tá Thơm cho biết ngày 11/1/2025, C05 đã tiến hành bắt quả tang một đơn vị ở huyện Đức Hòa (Long An) đưa 900 con lợn bệnh vào giết mổ đưa đi tiêu thụ tại các quầy hàng. Ngày 13/1, cơ quan chức năng đã lấy 24 mẫu để xét nghiệm, trong đó có đến 19 mẫu phát hiện dịch tả lợn châu Phi, tai xanh... , hiện số lượng lợn này đã được cho tiêu hủy theo quy định.
“Người dân cứ thản nhiên lùa trâu bò qua biên giới, mỗi con được trả công 800 ngàn đồng. Chúng tôi “nằm vùng” ở một xã biên giới với Campuchia, thấy người dân lùa trâu bò qua đường mòn lối mở mà chính quyền xã không bắt hay xử lý. Chúng tôi hỏi thì được trả lời rằng: Người dân vẫn có thói quen sáng lùa gia súc sang bên kia biên giới chăn thả, đến chiều tối thì lùa về. Nằm vùng ở đó, chúng tôi quan sát, có những người sáng dắt 2-3 con bò đi, nhưng tối dẫn về hàng chục con bò. Hành vi như thế mà chính quyền địa phương cứ điềm nhiên không biết thì vô lý lắm!”, Đại tá Lê Thơm bức xúc.
Cùng chung nỗi bức xúc này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết năm 2023 đã trực tiếp đến biên giới Tây Ninh, tận mắt thấy cả đoàn xe tải ngang nhiên chở gia súc qua biên giới. Xe chở lợn lậu chạy ầm ầm suốt đêm.
"Thế mà tại cuộc họp về ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới do tôi chủ trì vào cuối năm 2023, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cứ khăng khăng khẳng định rằng: Không có trường hợp nào nhập lậu gia súc qua địa bàn tỉnh Tây Ninh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn chứng.
"Hiện tình trạng buôn lậu gia cầm ở các tỉnh phía Bắc rất rầm rộ như Lào Cai, Quảng Ninh... Tại các vùng phía Tây tiếp diễn nhập lậu trâu bò, phía Nam vẫn tái diễn tình trạng nhập lậu lợn. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, địa phương có nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn FDI đầu tư vào chăn nuôi nhưng tỉnh vẫn để xảy ra tình trạng nhập lậu khiến mất lòng tin của nhà đầu tư”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên thực tế, dù Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và có 5 công điện chỉ đạo các địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam; thế nhưng tình trạng nhập lậu vẫn tái diễn rất phức tạp.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu để sửa các Luật, Thông tư, Nghị định để tăng cường chế tài xử lý các địa phương để xảy ra tình trạng nhập lậu thường xuyên, liên tục tái diễn.