Nhập khẩu than các loại tăng gần 37% về lượng so với cùng kỳ
7 tháng, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt 40,4 triệu tấn, trị giá gần 5,04 tỷ USD, tăng 36,9% về lượng và tăng 16,1% về kim ngạch so với cùng kỳ 2023.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt 7,05 triệu tấn, tương đương gần 838 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 14,7% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt 40,49 triệu tấn, trị giá gần 5,04 tỷ USD, tăng mạnh 36,9% về lượng và tăng 16,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Với nhu cầu điện ngày càng lớn, Việt Nam đang phải đẩy mạnh sử dụng than trong sản xuất điện, kéo theo tăng nhập khẩu than từ nhiều thị trường.
Việt Nam đang tích cực nhập khẩu mặt hàng này từ nhiều thị trường lớn như Indonesia, Úc, Malaysia...
Trong đó, Úc là thị trường nhập khẩu than các loại lớn nhất về kim ngạch của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Tháng 7/2024, nhập khẩu than các loại từ Úc đạt gần 2,63 triệu tấn, trị giá gần 346 triệu USD. 7 tháng năm 2024, nhập khẩu than các loại từ thị trường này đạt 10,8 triệu tấn, trị giá 1,73 tỷ USD.
Đứng sau lần lượt là Indonesia và Nga. Trong tháng 7/2024, nhập khẩu than các loại từ Indonesia đạt 2,077 triệu tấn, trị giá đạt 187,4 triệu USD. Tính chung 7 tháng, nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Indonesia đạt 16,36 triệu tấn, trị giá đạt gần 1,5 tỷ USD. Cũng trong tháng 7/2024, Việt Nam nhập khẩu than các loại từ Nga đạt 694 nghìn tấn, trị giá 113,37 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhập khẩu than từ thị trường này đạt 3,64 triệu tấn, trị giá 657 triệu USD.
Đáng chú ý, Lào là một trong những quốc gia được Việt Nam lên kế hoạch nhập khẩu số lượng lớn. Cụ thể, nhập khẩu than các loại từ Lào trong tháng 7 đạt gần 100 nghìn tấn với kim ngạch 7,38 triệu USD, giá đạt 74,3 USD/tấn.
Lũy kế 7 tháng, nhập khẩu mặt hàng này từ quốc gia láng giềng đạt hơn 1,26 triệu tấn, trị giá gần 83 triệu USD, giá bình quân đạt 65,5 USD/tấn. Đây là mức giá nhập khẩu rẻ nhất so với các thị trường khác. Trong khi đó, năm 2023, nước ta không thực hiện nhập khẩu than từ Lào.
Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than lên tới khoảng 60 - 100 triệu tấn/năm. Trong đó, để đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than được giao chịu trách nhiệm thu xếp 74,307 triệu tấn than, các nhà máy thiết kế sử dụng khoảng 26,1 triệu tấn than nhập khẩu.
Do đó, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Hiệp định Thương mại hợp tác mua bán than với Lào nhằm đảm bảo cho Việt Nam có nguồn cung than ổn định. Thị trường được đánh giá cao về tiềm năng và đang dần trở thành một nguồn cung cấp sản phẩm, nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam trong khối ASEAN.