Nhanh chóng lập 'hàng rào' ngăn Omicron, châu Á lo quá xa hay đề phòng hợp lý?

Các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để hiểu về biến thể Omicron, nhưng trước mối đe dọa tiềm ẩn của biến thể mới này, các quốc gia đang có những bước đi khác hẳn so với những nỗ lực kiểm soát các biến thể trước đó.

Phản ứng “rất khác” so với những biến thể trước đó

Các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thiết lập những quy định nghiêm ngặt với những người nhiễm biến thể Omicron giữa bối cảnh các chính phủ có những động thái quyết liệt hơn so với những biện pháp từng được thực hiện nhằm đối phó với các biến thể trước đó, bao gồm cả biến thể Delta.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Sự điều chỉnh này diễn ra khi biến thể Omicron bắt đầu lan tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia đều ghi nhận các ca mắc đầu tiên. Những động thái ban đầu của các quốc gia chủ yếu tập trung vào việc tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại trong nước và kiểm soát biên giới.

Các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để hiểu về biến thể Omicron nhưng trước mối đe dọa tiềm ẩn của biến thể mới này, các quốc gia đang có những bước đi khác hẳn so với những nỗ lực kiểm soát các biến thể trước đó.

Tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, các nhà chức trách đã quyết định đưa những người nhiễm biến thể Omicron vào bệnh viện hoặc các cơ sở do chính thủ điều hành để theo dõi y tế, thậm chí cả khi những người này ở giai đoạn tiền triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ. Cho tới gần đây, các bệnh nhân đã được phép cách ly tại nhà.

"Chúng tôi đang hành động với giả thuyết rằng biến thể Omicron gây ra mối đe dọa nghiêm trọng", quan chức y tế cấp cao Hàn Quốc Son Young-rae nhận định. Các quan chức nước này cho rằng khả năng cao là biến thể Omicron đã lan rộng khắp Hàn Quốc.

Nhật Bản cũng đang tiến hành thêm các biện pháp nhằm đối phó với biến thể Omicron. Nước này đã chỉ định những hành khách trên 2 chuyến bay có ca nhiễm biến thể Delta là các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời hối thúc họ tới các cơ sở do chính phủ chỉ định và xét nghiệm 2 ngày/lần. Trước đó, chỉ hành khách hai hàng ở trước và sau hàng có ca mắc được coi là những trường hợp tiếp xúc gần và những người này có thể cách ly tại nhà, cũng như chỉ phải xét nghiệm 1 lần. Các quan chức cũng đang kiểm tra những người trường hợp tiếp xúc gần bằng cách gọi điện trực tiếp thay vì sử dụng chatbot (công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo được lập trình sẵn để giao tiếp, tương tác với con người-ND).

"Đây là phản ứng đặc biệt đối phó với dịch bệnh", một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản cho hay giữa bối cảnh nước này tăng cường các biện pháp sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản hôm 30/11.

Lo xa hay phòng trước?

Cùng với các quy định mới áp dụng với những người mắc bệnh là những biện pháp hạn chế đi lại mới được ban hành trong khu vực. Nhật Bản đã quyết định đóng cửa với tất cả du khách nước ngoài không phải là công dân Nhật Bản. Tại Hong Kong (Trung Quốc), thậm chí những hành khách quá cảnh cũng được yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19 72 tiếng trước khi lên máy bay. Những người di chuyển tới các điểm đến khác qua Hong Kong trước đó không yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính.

Quyết định này được đưa ra sau khi một hành khách quá cảnh dành 3 ngày ở khu vực giới hạn của sân bay tại Hong Kong do vấn đề liên quan đến visa đã được xác định nhiễm biến thể Omicron ngày 27/11. Hành khách này đã đến Hong Kong từ Nigeria sau khi bay qua Qatar.

Thế giới vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân của việc phản ứng với biến thể Omicron tương đối khác so với các biến thể trước đó là khuyến cáo ban đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cho rằng biến thể này có thể lây lan nhanh hơn.

Việc xác định những nơi các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đã đi tới cũng như việc tính toán quy mô lây lan của biến thể này là những yếu tố quan trọng cho các nhà chức trách y tế để hiểu về mức độ của các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Kim Dong-hyun - giáo sư về dịch tễ học tại Trường Y Đại học Hallym của Hàn Quốc cho rằng, những động thái của nhiều quốc gia khi thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly nghiêm ngặt là sự phản ứng thái quá và sẽ không có ý nghĩa nhiều về dài hạn.

"Chúng ta vẫn đang chứng kiến biến thể này lây lan khắp khu vực", ông Kim đánh giá.

Nam Phi ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vào tuần trước và chỉ vài ngày sau, WHO đã phân loại đây là biến thể đáng lo ngại. Ngày 1/12, biến thể Omicron đã lan ra 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Phi. Sáng 3/12, quan chức y tế đứng đầu Australia cho biết có khoảng 419 ca nhiễm biến thể Omicron ở khoảng 30 quốc gia.

Những động thái mới

Một lý do nữa khiến các chính phủ phản ứng với biến thể Omicron khác với những biến thể trước đó là việc tiến hành giải trình tự gen nhằm xác định liệu bệnh nhân có mắc bệnh hay không mất nhiều thời gian hơn.

Những xét nghiệm như vậy sẽ mất khoảng 5 ngày, các quan chức y tế Hàn Quốc cho hay. Những biến thể trước đó, trong đó có cả biến thể Delta có thể được xác định bằng các xét nghiệm PCR chỉ trong 1 ngày.

Ngoài điều trị và xét nghiệm, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng đang có những động thái mới nhằm phản ứng trước biến thể Omicron.

Australia ngày 3/12 cho biết nước này cam kết dành thêm 540 triệu AUD, tương đương với khoảng 382 triệu USD để thực hiện các biện pháp nhằm phản ứng trước Covid-19, đồng thời dẫn ra những lo ngại về sự lan rông của biến thể mới. Một phần trong nguồn quỹ này sẽ dành cho việc nghiên cứu các phương pháp điều trị Covid-19 mới để hiểu hơn về phản ứng miễn dịch của trẻ em cũng như những người dễ tổn thương và cải thiện việc xây dựng mô hình virus lây nhiễm qua không khí.

Australia có 14 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có trường hợp một sinh viên ở Sydney gần đây không đi lại ra bên ngoài. Từ 1/12, bang New South Wales, nơi ghi nhận hầu hết số ca nhiễm biến thể Omicron của Australia đã tăng mức phạt gấp 5 lần với những người không tuân thủ các quy định bắt buộc về xét nghiệm và cách ly.

Tại Singapore, 2 ca nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận là những du khách đến từ các quốc gia ở phía nam châu Phi. Hai người này đã được tiêm vaccine đầy đủ và chỉ có các triệu chứng nhẹ, đã được cách ly sau khi đến vào ngày 1/12 và không tương tác với người dân địa phương, Bộ Y tế Singapore cho hay.

Tại Hàn Quốc, mối đe dọa từ biến thể Omicron đã làm đảo ngược một số biện pháp hạn chế được nới lỏng trước đó và có hiệu lực vào tháng trước. Từ 6/12, việc tụ tập riêng tại các khu vực ở Seoul sẽ bị hạn chế xuống còn 6 người thay vì 10 người như trước đó và những nơi khác sẽ không được tụ tập quá 8 người.

Nếu du khách được xác định mắc Covid-19 khi đến Hàn Quốc, họ sẽ được xét nghiệm giám sát di chuyển để xác định liệu họ có nhiễm biến thể Omicron hay không. Các thành viên gia đình và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron sẽ được theo dõi và được xét nghiệm virus trong 24 giờ tiếp xúc, tăng so với khung thời gian theo dõi tiếp xúc trước đây./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhanh-chong-lap-hang-rao-ngan-omicron-chau-a-lo-qua-xa-hay-de-phong-hop-ly-909438.vov
Zalo