Nhanh chóng khơi thông các tuyến đường

Do ảnh hưởng của bão số 3 kèm theo mưa lớn kéo dài nên vừa qua nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh bị sạt lở, sụt lún, xuất hiện vết nứt dài gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Ngay sau khi bão qua, ngành chức năng và các địa phương đã huy động nhân lực, phương tiện tập trung xử lý sự cố nhanh nhất, bảo đảm các tuyến đường thông suốt.

Không để ách tắc giao thông

Theo rà soát của cơ quan chức năng, bão số 3 đã làm nhiều tuyến quốc lộ (QL), đường tỉnh (ĐT), đường huyện, xã và thôn ở các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế... bị đất sạt lở, sụt lún, xuất hiện vết nứt dài, khiến người dân và phương tiện lưu thông gặp nhiều trở ngại, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn cao. Để tránh ách tắc, chia cắt giao thông, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khắc phục các đoạn đường bị ảnh hưởng.

 Phương tiện lưu thông trên đường tránh tạm mới mở ngay cạnh QL 31, đoạn qua địa bàn xã Biển Động (Lục Ngạn).

Phương tiện lưu thông trên đường tránh tạm mới mở ngay cạnh QL 31, đoạn qua địa bàn xã Biển Động (Lục Ngạn).

Được biết, sau khi kiểm tra, phát hiện điểm sạt lở dạng hàm ếch dài khoảng 15 m vào sát tim đường và nhiều cây cối đổ gãy tại Km 58+ 150 trên QL31 đi qua thôn Đồng Man, xã Biển Động (Lục Ngạn) vào đêm ngày 7 và 8/9, UBND xã Biển Động đã huy động phương tiện và lực lượng cắt, thu dọn cây đổ gãy trên đường. Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Biển Động cho biết, việc khắc phục được địa phương hoàn thành ngay trong đêm. Để cảnh báo các phương tiện qua lại vị trí này, xã còn bố trí lực lượng ứng trực hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Ngay sau đó, tối 10/9, Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty Quản lý đường bộ Bắc Giang bố trí máy móc mở đường tránh tạm (dài 50 m, rộng 3 m) tại khu vực này. Theo đó, doanh nghiệp đã huy động cán bộ, công nhân viên cùng nhiều máy xúc, máy ủi, ô tô chở sỏi đá san gạt nền đường làm đường tránh tạm để các phương tiện lưu thông. Đặc biệt, UBND xã Biển Động còn vận động được hộ dân hiến đất vườn để làm đường tránh.

Tương tự, trên QL 279 tại Km 38+750 đi qua khu vực đèo Hạ My thuộc địa bàn xã Long Sơn (Sơn Động) cũng xuất hiện vết nứt dài trên mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, mất an toàn cho phương tiện qua lại. Xác định đây là tuyến giao thông huyết mạch giữa tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh, hằng ngày, lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa qua lại khá đông nên ngay sau khi kiểm tra hiện trường, ngày 14/9, Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty Quản lý đường bộ Bắc Giang huy động máy móc, phương tiện làm việc xuyên đêm để mở đường tránh. UBND xã Long Sơn cũng huy động lực lượng chặt cây, dọn dẹp mặt bằng tạo thuận lợi cho đơn vị thi công. Theo đó, chỉ sau 3 ngày, tuyến đường tránh tạm (có chiều dài 40 m, chiều rộng 4 m) đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ông Ngô Xuân Toàn, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên lái xe vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bắc Giang sang tỉnh Quảng Ninh trên QL 279 qua địa bàn huyện Sơn Động. Vào thời điểm mặt đường bị rạn nứt, lo ngại không an toàn nên tôi tạm dừng việc vận chuyển. Mừng là sau thời gian rất ngắn, đoạn đường tạm qua đây đã hoàn thành. Hiện tôi đã vận chuyển hàng hóa bình thường”.

Không chỉ trên các QL, ngành GTVT còn tổ chức khắc phục kịp thời các điểm sạt lở trên một số tuyến ĐT: 293, 248, 291, 293C, 290 đi qua địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Những sự cố, điểm sạt lở trên các tuyến đường huyện, xã, thôn cũng được các địa phương quan tâm xử lý kịp thời, bảo đảm giao thông thông suốt.

Tiếp tục huy động nguồn lực

Theo ngành chức năng, bão số 3 và mưa kéo dài đã làm 77 điểm đường giao thông trên QL với tổng chiều dài hơn 3,1 km; khối lượng đất, đá sạt lở hơn 45 nghìn m3. Đường giao thông địa phương có 269 điểm bị sạt lở, ách tắc với chiều dài hơn 11,6 km.

Theo ngành chức năng, bão số 3 và mưa kéo dài đã làm cho 77 điểm đường giao thông trên quốc lộ bị sạt lở, ách tắc với tổng chiều dài hơn 3,1 km; khối lượng đất, đá sạt lở hơn 45 nghìn m3. Đường giao thông địa phương có 269 điểm bị sạt lở, ách tắc với chiều dài hơn 11,6 km.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết, xác định các tuyến đường giao thông có vai trò quan trọng giúp người dân lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH nên ngay sau khi kiểm tra mức độ ảnh hưởng, Sở đã chỉ đạo Công ty Quản lý đường bộ Bắc Giang phối hợp với các địa phương xử lý ngay các điểm sạt lở đất, đá. Đoạn đường nào bị sụt lún, tiềm ẩn nguy hiểm thì mở đường tránh tạm để các phương tiện đi lại bảo đảm an toàn. Đơn vị cũng yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông phối hợp cùng cảnh sát giao thông ứng trực, điều tiết lưu thông.

Cùng với cơ quan chuyên môn, huyện Sơn Động đã tập trung nhân lực, máy móc tích cực khắc phục các đoạn đường bị sạt lở đất trên địa bàn. Ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết, mưa lũ ảnh hưởng của bão số 3 đã làm nhiều điểm trên đường xã, thôn, liên thôn tại các địa phương của huyện như Lệ Viễn, Thanh Luận, Tuấn Đạo, An Bá, Giáo Liêm, Long Sơn và thị trấn Tây Yên Tử… sạt lở đất. Trước tình trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã kết nối, huy động máy xúc, phương tiện của các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tích cực triển khai việc khắc phục. Đối với các tuyến đường, cống qua đường bị sạt lở, huyện đang xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương sửa chữa.

Tương tự, huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo xã Kim Sơn nhanh chóng bố trí máy múc đất, huy động người dân tham gia dọn dẹp điểm sạt lở trên tuyến đường huyện đi qua thôn Đồng Phúc. Bởi vậy, chỉ trong vòng một ngày, tuyến đường đã phong quang trở lại, phương tiện lưu thông thuận lợi. Ngoài ra, địa phương cũng chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách hỗ trợ các xã Phì Điền, Kim Sơn, Hộ Đáp, Tân Lập… thuê máy để đắp, dọn đất lề đường, mặt đường, đổ bê tông ở các điểm sụt lún, không để tình trạng chia cắt giao thông kéo dài từ nguyên nhân này.

Với sự nỗ lực của chính quyền, ngành chuyên môn, chỉ khoảng một tuần sau mưa bão, cơ bản các điểm sạt lở trên đều được khắc phục, không có tình trạng ách tắc, chia cắt giao thông. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục tính toán, bố trí nguồn lực phù hợp; quan tâm huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để khắc phục sự cố trên các tuyến đường, bảo đảm an toàn kỹ thuật. Liên quan đến các tuyến QL bị sạt trượt, sụt lún mặt đường, Sở GTVT đã đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) có phương án xử lý sớm nhất. Đối với các tuyến ĐT, Sở tham mưu UBND tỉnh và đề xuất phương án sửa chữa ngay trong đầu tháng 10 năm nay.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhanh-chong-khoi-thong-cac-tuyen-duong-095055.bbg
Zalo