Nhanh chóng khoanh vùng dập tắt dịch cúm gia cầm

Ngày 24-1, trên địa bàn thị trấn Na Hang (Na Hang) đã xuất hiện gia cầm chết bất thường không rõ nguyên nhân. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xác định nguyên nhân gây bệnh. Kết quả, mẫu bệnh phẩm đã dương tính bệnh cúm gia cầm type A/vi rút cúm A/H5N1.

Khẩn trương ứng phó

Sau 2 ngày, bà Đặng Thị Cói, thôn Bắc Danh, xã Thanh Tương (Na Hang) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi dịch bệnh hủy hoại toàn bộ đàn gà, ngan, ngỗng hàng trăm con của gia đình. Theo bà Cói, gia đình bà chăn nuôi nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên đàn gia cầm mắc dịch bệnh này, hàng chục con gà đang khỏe mạnh bỗng uống nước nhiều, bỏ ăn, ủ rũ rồi chết. Qua kiểm tra, hầu hết số gà xuất hiện những nốt xuất huyết, trước khi chết thân nhiệt rất cao.

Người dân thị trấn Na Hang (Na Hang) rắc vôi tiêu độc khu vực gia cầm bị chết.

Người dân thị trấn Na Hang (Na Hang) rắc vôi tiêu độc khu vực gia cầm bị chết.

Cùng trên địa bàn xã Thanh Tương, đàn gà của gia đình ông Triệu Văn Thái thôn Nà Coóc cũng có dấu hiệu tương tự, đàn gà đang khỏe mạnh bổng bỏ ăn, rồi chết một cách bất thường.

Không riêng tại xã Thanh Tương, cùng thời điểm trên tại 6 tổ dân phố của thị trấn Na Hang, đàn gia cầm của nhiều hộ dân cũng chung một dấu hiệu bệnh, uống nước nhiều, bỏ ăn, thân nhiệt tăng cao và chết.

Ông Vi Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết: Phát hiện dấu hiệu bất thường trên đàn gà của các gia đình, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND thị trấn, Thanh Tương thực hiện ngay các biện pháp dập dịch, phun thuốc khử trùng, rắc vôi xung quanh khu vực trong vòng bán kính 5 m ngăn chặn dịch lan rộng. Đồng thời, thu gom toàn bộ gia cầm chết và những con còn sót lại đưa đi tiêu hủy xa khu dân cư.

Các hộ lân cận cũng được yêu cầu nhốt gia cầm để cách ly với ổ dịch và tiêm vắc xin phòng ngừa cúm. Huyện cũng đã cung cấp 108 lít hóa chất đưa về hỗ trợ các gia đình, đồng thời phân công cán bộ túc trực tại thôn để hướng dẫn người dân dọn vệ sinh, rắc vôi khử trùng chuồng trại chăn nuôi; nghiêm cấm người dân giết mổ, vận chuyển gia cầm ra ngoài vùng có dịch; thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ông Vi Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện khẳng định: Từ ngày 24-1, sau khi dịch bệnh phát sinh, cứ 2 ngày 1 lần huyện chỉ đạo, giám sát việc phun thuốc khử trùng ở tất cả các khu vực xuất hiện dịch cúm. Riêng đối với hộ có gia cầm mắc bệnh, 1 ngày 2 lần phun để diệt trừ mầm bệnh, các hộ lân cận có đàn gia cầm, nguy cơ lây nhiễm cao 1 ngày 1 lần phun thuốc khử trùng. Huyện đang tiến hành tiêm phòng đồng loạt cho toàn bộ đàn gia cầm, trong đó vùng đệm được tập trung tiêm trước để tạo “vòng vây” ngăn chặn dịch phát sinh lan rộng.

Kiên quyết không để dịch lan rộng

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản nhận định, mặc dù ổ dịch cúm gia cầm type A/H5N1 tại 2 địa phương của huyện Na Hang tuy đã được khống chế nhưng nguy cơ dịch phát tán hoàn toàn có thể xảy ra nếu người dân không duy trì và thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch. Bởi dịch cúm xuất hiện đúng vào thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển, giết thịt làm thực phẩm rất lớn.

Cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân thị trấn Na Hang phun thuốc, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân thị trấn Na Hang phun thuốc, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Ngày 26-1, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh thú y trong chăn nuôi; thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch cúm gia cầm: Không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc (đặc biệt là không ăn tiết canh ngan, vịt...); không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra môi trường; thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện sớm dịch bệnh; đối với khu vực có gia cầm mắc bệnh phải áp dụng các biện pháp quyết liệt nhất để dập tắt ngay ổ dịch, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến lây lan dịch bệnh, kiên quyết không để lây lan trên diện rộng.

UBND huyện Na Hang thành lập tổ công tác cơ động để thực hiện công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm ra, vào vùng dịch. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; chỉ đạo cơ sở y tế tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những khu vực có nguy cơ cao; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ để triển khai các biện pháp xử lý các ca bệnh lây sang người (nếu có).

Người dân, đặc biệt là những hộ chăn nuôi tuyệt đối không chủ quan lơ là, buông lỏng công tác phòng dịch; áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm; thường xuyên vệ sinh tiêu độc, phun khử trùng chuồng trại.

Khi gia cầm mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân phải thông báo ngay cho cơ quan thú y để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc "5 không" trong phòng chống dịch: Không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi; không thả rông gia cầm; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không mua, bán gia cầm bị bệnh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhanh-chong-khoanh-vung-dap-tat-dich-cum-gia-cam-205962.html
Zalo