Nhanh chóng hình thành các ngành công nghệ tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Chia sẻ với báo chí nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, NIC cần nhanh chóng hình thành các ngành công nghệ. Trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen…
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, NIC là hạt nhân của hệ sinh thái, với mục đích kết hợp được giữa Nhà nước, doanh nghiệp, viện, trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo. Qua đó, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, startup, hỗ trợ các doanh nghiệp; dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái, dẫn dắt đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam.
“Những năm qua, ĐMST của Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tốt. Chưa bao giờ có được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và phát triển tốt như hiện nay”, ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đã được hưởng lợi từ NIC, nhất là trong hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp. Trong các chính sách NIC hỗ trợ, chính sách cho startup là rõ nhất.
Các startup được tư vấn, hỗ trợ kết nối các nguồn lực, các quỹ, các doanh nghiệp để xem nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương cần gì. Từ đó kết nối được và hỗ trợ được cho các địa phương, doanh nghiệp trong giải quyết các bài toán đặt ra.
Để thúc đẩy sự phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và của NIC nói riêng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần hình thành cơ chế chính sách cho đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, làm sao để trung tâm vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Cơ sở vật chất phải hoàn chỉnh cho các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia tại NIC. Hiện nay, NIC Hòa Lạc rất thiếu, nếu không có các cơ sở vật chất sẽ khó giữ chân chuyên gia trong và ngoài nước.
“Cần nhanh chóng hình thành các ngành công nghệ tại NIC. Trong đó có sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen… Hiện nay, lĩnh vực mà NIC đẩy mạnh nhất là bán dẫn, mở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo”, ông Dũng nói.
Sắp tới, NIC được giao một nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược, đó là từ nay đến 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn cung cấp cho thị trường. Việt Nam có nguồn lực rất mạnh là con người, nhưng phải khai thác triệt để đào tạo cho được nguồn nhân lực có tay nghề thời gian tới.