Nhân viên y tế nhận tài sản thừa kế từ bệnh nhân có 'hợp tình hợp lý'?

Các nhân viên y tế có thể nhận tài sản thừa kế từ người bệnh nhưng dễ gây tranh cãi về mặt đạo đức, thậm chí bị cấm hành nghề.

Tiến sĩ y khoa Michael Victoroff là cựu thành viên của Ủy ban Đạo đức - Viện Bác sĩ gia đình Mỹ. Ông từng nhận được cuộc điện thoại hóc búa của luật sư về việc bệnh nhân tặng quà cho một bác sĩ. "Luật sư đó đại diện cho con gái của một quý ông lớn tuổi sống ở Colorado. Người cha thường xuyên đến gặp bác sĩ mới của mình vì có nhiều vấn đề về sức khỏe", Tiến sĩ Victoroff kể.

Bệnh nhân hài lòng với dịch vụ y tế của bác sĩ, theo thời gian, họ dần trở thành bạn bè. Tiến sĩ Victoroff nhấn mạnh bác sĩ và bệnh nhân không có quan hệ tình cảm lãng mạn.

Bệnh nhân dễ nảy sinh tình cảm quý mến với những y bác sĩ tận tâm chăm sóc mình. Ảnh minh họa: AI

Bệnh nhân dễ nảy sinh tình cảm quý mến với những y bác sĩ tận tâm chăm sóc mình. Ảnh minh họa: AI

"Nhưng mối quan hệ xã hội của họ đã vượt ra ngoài ranh giới bác sĩ - bệnh nhân thông thường. Người đàn ông đã chỉ định bác sĩ là người đại diện chăm sóc sức khỏe của mình trong trường hợp ông không thể đưa ra quyết định liên quan đến vấn đề này. Theo di chúc, bệnh nhân còn để lại cho bác sĩ 100.000 USD", Tiến sĩ Victoroff nói.

Bác sĩ đã chấp nhận vai trò là người ủy quyền nhưng chưa bao giờ thực hiện việc ra quyết định vì bệnh nhân đột ngột qua đời khi vẫn còn tỉnh táo.

Sau khi người đàn ông mất, các con gái mới biết cha để lại khoản tiền lớn cho bác sĩ. Họ cảm thấy nhân viên y tế chấp nhận món quà giá trị như vậy là không có đạo đức và thuê luật sư để phản đối di chúc.

Hợp luật nhưng gây tranh cãi về đạo đức

Luật sư người Mỹ Dennis Hursh giải thích với Medscape: "Khúc mắc không phải là vấn đề pháp lý mà nằm ở đạo đức”. Ở Mỹ, không có lệnh cấm nhân viên y tế nhận thừa kế hoặc tặng phẩm từ bệnh nhân. Mọi người được tự do xử lý tài sản của mình theo bất kỳ cách nào họ thấy phù hợp.

Vấn đề di chúc tiền cho bác sĩ đã thu hút sự chú ý lớn sau một vụ án ở Australia. Bác sĩ Peter Alexakis nhận được khoản thừa kế khổng lồ trị giá 14 triệu USD (350 tỷ đồng) từ bệnh nhân. Người bệnh lớn tuổi đã thay đổi di chúc để chỉ định Alexakis là người thụ hưởng duy nhất sau khi vị bác sĩ đến thăm ông tại nhà 92 lần.

Những người thừa kế ban đầu đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Australia chống lại Alexakis nhưng không thành.

Dù vậy, Alexakis đã bị Ủy ban Khiếu nại Chăm sóc Sức khỏe (HCCC) của Australia tuyên bố có hành vi sai trái sau phản hồi từ các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân. Họ cáo buộc Alexakis can thiệp vào việc chăm sóc người bệnh, cố ý lợi dụng mối quan hệ để kiếm lợi về mặt tài chính.

Bác sĩ Alexakis đã bị HCCC khiển trách vì có hành vi "thiếu hiểu biết", "đáng ngờ" và "làm mờ ranh giới của mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân".

Một vụ bệnh nhân để lại tài sản cho nhân viên y tế ở Australia cũng gây ra tranh cãi. Chỉ sau 24 ngày quen biết, nữ y tá Abha Anuradha Kumar đã được nhận thừa kế ngôi nhà giá hơn 1 triệu AUD (16,7 tỷ đồng) từ ông Lionel Cox. Bản di chúc chỉnh sửa một số chi tiết vẫn được pháp luật công nhận. Dù không bị thu hồi tài sản thừa kế nhưng bà Kumar bị cấm hành nghề y hoặc bất kỳ hình thức chăm sóc người già nào trong 5 năm.

Nhiều bác sĩ cho rằng có thể nhận những món quà ít giá trị như hoa, chocolate... Ảnh minh họa: AI

Nhiều bác sĩ cho rằng có thể nhận những món quà ít giá trị như hoa, chocolate... Ảnh minh họa: AI

Món quà nào nên nhận?

Khi bác sĩ nhãn khoa người Mỹ Ian Schorr bắt đầu hành nghề, ông đã rất ngạc nhiên khi bệnh nhân tặng ông đồ ăn để bày tỏ lòng biết ơn.

"Tôi nghĩ rằng việc nhận quà của họ là không có đạo đức, vì vậy tôi đã từ chối và không lấy bất kỳ thứ gì, ngay cả một chiếc bánh quy. Nhưng tôi dần thay đổi vì nhân viên văn phòng nói rằng bệnh nhân cảm thấy thất vọng và tổn thương. Tôi nhận ra một số người muốn bày tỏ lòng biết ơn theo những cách vượt ngoài khoản viện phí", bác sĩ Schorr chia sẻ.

Trong lần kế tiếp, bác sĩ Schorr nhận quà một cách vui vẻ. Ông viết một bức thư cảm ơn và tiếp tục làm như vậy bất cứ khi nào bệnh nhân tặng quà.

Giáo sư Kenneth Prager, Chủ tịch Ủy ban Đạo đức y khoa tại Trung tâm y tế Đại học Columbia, cho biết: "Tôi nhận được hàng trăm món quà, phần lớn thể hiện sự trân trọng của bệnh nhân như hộp chocolate, bánh ngọt, đôi khi là quần áo".

Thỉnh thoảng, bác sĩ Prager được tặng "món quà lớn hơn một chút" - ví dụ 2 vé xem bóng chày. "Từ chối những món quà này sẽ là một cái tát vào mặt bệnh nhân. Nhưng khi một món quà có giá trị rất lớn sẽ gây ra vấn đề mơ hồ về đạo đức”.

Bộ Quy tắc đạo đức của Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) khẳng định, việc chấp nhận quà tặng "như một biểu hiện của lòng biết ơn hoặc phản ánh truyền thống văn hóa của bệnh nhân" có thể "nâng cao mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ". Nhưng đôi khi quà tặng "có thể báo hiệu nhu cầu tâm lý cần được bác sĩ quan tâm". Việc chấp nhận những món quà như vậy "có khả năng gây tổn hại đến mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ".

AMA khuyến khích các bác sĩ "nhạy cảm với giá trị của món quà, so với khả năng của bệnh nhân hoặc bác sĩ". Các bác sĩ nên từ chối những món quà "quá lớn, không phù hợp hoặc khi bác sĩ sẽ không thoải mái nếu đồng nghiệp biết".

Họ cũng nên từ chối di chúc của bệnh nhân nếu có lý do để tin rằng việc chấp nhận "sẽ gây khó khăn về mặt tình cảm hoặc tài chính cho gia đình bệnh nhân".

AMA cảnh báo khi tặng quà, một số bệnh nhân có thể đang tìm cách "bảo đảm hoặc tác động đến việc chăm sóc hoặc chế độ điều trị ưu đãi". Điều này có thể "làm suy yếu nghĩa vụ của bác sĩ trong việc cung cấp dịch vụ công bằng cho tất cả bệnh nhân".

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhan-vien-y-te-nhan-tai-san-thua-ke-tu-benh-nhan-co-hop-tinh-hop-ly-2314422.html
Zalo