Nhân viên y tế cần được đãi ngộ xứng đáng
Theo Bộ Y tế, các mức phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn, bản hiện quá thấp, không phù hợp với tình hình thực tế.
Các mức phụ cấp gồm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập hiện đang được áp dụng theo quy định tại Quyết định 73/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Y tế, sau 14 năm, mức phụ cấp này là quá thấp và không còn phù hợp thực tế.
Nâng mức hỗ trợ là cần thiết
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và cô đỡ thôn, bản.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, mức hỗ trợ lên gần 3 lần, đồng thời bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được hưởng mức hỗ trợ như nhân lực tham gia các hoạt động tư vấn, điều phối, lấy, vận chuyển, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người; nhân viên y tế tham gia vào hoạt động cấp cứu ngoại viện.

Bộ Y tế đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật cho nhân viên y tế lên gần 3 lần. Ảnh minh họa: TT
Hàng tháng, mỗi bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai có từ 4-5 ngày trực 24/24, phụ cấp hơn 100.000 đồng/ngày. Công việc ban đêm thường nhiều và áp lực hơn do lúc này có ít nhân viên y tế, trong khi rất nhiều bệnh nhân nặng tuyến dưới hay chuyển lên vào ban đêm.
“Những ngày trực, chúng tôi thường không được ngủ, mấy anh chị em chỉ có thể tranh thủ, thay phiên ngả lưng một chút cho đỡ mệt. Có những buổi trực phải mổ cấp cứu thâu đêm”, một bác sĩ tâm sự.
Đối với một ca phẫu thuật như mổ dạ dày nội soi trung bình kéo dài hơn 3 giờ, chưa kể trách nhiệm và chăm sóc bệnh nhân sau mổ, theo bác sĩ này, mức phụ cấp phẫu thuật hiện nay cũng là quá thấp.
Theo đó, nếu đề xuất tăng mức phụ cấp mổ, tiền trực được thông qua sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn đối với nhân viên y tế các bệnh viện công.
Chị Thanh, người nhà của một bệnh nhân điều trị định kỳ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ: Nếu ở một bệnh viện tuyến cuối đủ lâu, chứng kiến cảnh các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc xuyên đêm, chứng kiến những tiếng gọi cấp cứu liên tục… thì sẽ hiểu việc nâng mức phụ cấp trực cho họ là cần thiết.
Còn ở tuyến cơ sở, bà Nguyễn Thị Vân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Trãi (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), cho biết hiện trạm có tổng cộng 6 nhân viên cơ hữu, hưởng mức phụ cấp trực 18.750 đồng/đêm, ca trực bắt đầu từ 6 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau.
Nếu trực cuối tuần, mức này là 45.500 đồng/ngày, còn ngày nghỉ, ngày lễ là 60.000 đồng. Trung bình tổng thu nhập tính cả lương, thưởng (nếu có) và phụ cấp của nhân viên tại trạm là gần 6 triệu đồng/tháng.
Theo bà Vân, hơn chục năm qua, mức lương cơ sở được điều chỉnh 8 lần, nhưng chế độ phụ cấp trực, mức hỗ trợ tiền ăn trong ca trực vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng.
Đề xuất tăng phụ cấp trực cho nhân viên y tế nếu được thông qua sẽ góp phần cải thiện cuộc sống, tiếp thêm động lực cho nhân viên y tế, đồng thời thể hiện cơ quan quản lý luôn chia sẻ, quan tâm đến nhân viên y tế cơ sở.

Bộ Y tế đề xuất mức phụ cấp trực mới đối với nhân viên y tế trực 24/24 giờ.
Tiền để tăng phụ cấp từ đâu?
Theo ông Trần Thế Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), đề xuất tăng phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật đối với nhân viên y tế là cần thiết.
“Một ca trực, ca mổ của nhân viên y tế tại bệnh viện hạng I như Bệnh viện Thanh Nhàn rất nhiều áp lực. Việc tăng mức phụ cấp phần nào sẽ động viên các y bác sĩ, tiếp động lực để họ gắn bó với nghề.
Nếu đề xuất nâng mức phụ cấp trực, phẫu thuật cho nhân viên y tế được phê duyệt, nguồn chi trả sẽ là từ các bệnh viện. Bệnh viện Thanh Nhàn là cơ sở y tế tự chủ, chúng tôi sẽ cố gắng tăng để góp phần cải thiện đời sống cho các y bác sĩ”, ông Quang cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới như quận, huyện còn hạn chế về nguồn thu, để tăng phụ cấp theo đề xuất của Bộ Y tế có thể sẽ gặp khó khăn.

Nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh: TT
Tương tự, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Thuận, cũng cho rằng đề xuất tăng phụ cấp trực, mổ cho nhân viên y tế là phù hợp với thực tế phát triển xã hội.
“Mức phụ cấp cũ đã áp dụng quá lâu rồi, đến giờ không còn đúng với giá trị công việc nữa”, ông Thuận nói.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, để đề xuất này toàn diện hơn, Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết, cụ thể về tác động của đề xuất, bởi câu hỏi đặt ra là nếu tăng mức phụ cấp thì nguồn chi từ đâu?
“Về bản chất, phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật hiện đã được bao gồm trong cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh, viện phí. Như vậy, khi tăng mức phụ cấp, để bệnh viện không gặp khó khăn, cần phải thực hiện hai phương án: điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, viện phí hoặc phải có nguồn ngân sách nhà nước bù vào khoản tăng đó”, ông Thuận giải thích.
Theo ông Thuận, nếu nguồn tiền để tăng mức phụ cấp là nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh, viện phí của chính các bệnh viện, nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh giữ nguyên, thì các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Còn nếu cứ triển khai theo đề xuất trong trường hợp được thông qua, cơ sở y tế nào không có đủ nguồn để tăng mức phụ cấp thì ngân sách nhà nước sẽ cân đối và bù vào, nhưng nếu khoản cấp bù này không kịp thời cũng có thể khiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bị ảnh hưởng.
Dự thảo Nghị định của Bộ Y tế nêu rõ, kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tại cơ sở khám chữa bệnh được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, nguồn thu sự nghiệp của đơn vị được để lại theo quy định, và nguồn thu hợp pháp khác của đơn vị (nếu có).
Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp chống dịch do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
Nguồn kinh phí chi trả hỗ trợ hàng tháng đối với nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Dự thảo Nghị định dự kiến trình Chính phủ xem xét, ban hành vào tháng 6-2025.