Nhân vật chuyển giới trong 'Squid Game 2' bị phản ứng
Sau khi mùa thứ hai của 'Squid Game' được Netflix ra mắt, nhiều khán giả đã chỉ trích bộ phim vì chọn một diễn viên nam dị tính vào vai một thí sinh chuyển giới nữ.
Squid Game mùa 2, ra mắt hôm 26/12, có sự góp mặt của nam diễn viên Park Sung-hoon, được biết đến qua các vai phản diện trong loạt phim truyền hình The Glory và Queen of Tears. Trong phim mới, anh vào vai Hyun-ju, một thí sinh tham gia trò chơi chết chóc với hy vọng giành tiền thưởng để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Trong khi một số khán giả suy đoán rằng cốt truyện có thể giúp thu hút sự chú ý từ cộng đồng người chuyển giới, những người khác lại cho rằng bộ phim đã không đạt được mục tiêu vì không có một diễn viên chuyển giới nào đảm nhận vai này.
"Squid Game 2 không đạt được thành công như vậy vì họ thuê một chàng trai thẳng vào vai nhân vật này. Cảm giác bị gượng ép thay vì tự nhiên", một người xem đăng trên X.
Tranh cãi
Cả người sáng tạo ra Squid Game Hwang Dong-hyuk và diễn viên Park đều không trả lời yêu cầu bình luận của NBC News. Netflix xác nhận rằng đoàn làm phim đã làm việc với các cố vấn chuyển giới và LGBTQ trong khi tạo ra phần thứ hai. Trong cuộc phỏng vấn với TV Guide, Hwang cho biết "gần như không thể" tìm được một diễn viên chuyển giới nào cho vai diễn này.
"Khi chúng tôi nghiên cứu ở Hàn Quốc, gần như không có diễn viên nào công khai là người chuyển giới, chứ đừng nói đến việc công khai là người đồng tính", anh nói với hãng tin. "Thật không may là trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, cộng đồng LGBTQ vẫn còn bị thiệt thòi và bị bỏ rơi nhiều hơn, điều này thật đau lòng".
Phần thứ hai một lần nữa xoay quanh người chơi 456, tên là Seong Gi-hun (do Lee Jung Jae thủ vai), khi anh quay lại trò chơi sau ba năm kể từ chiến thắng đầu tiên. Lần này, anh đến với mục đích duy nhất là chấm dứt trò chơi và bảo vệ những người chơi khác khỏi bạo lực và cái chết.
Trong số những người tham gia có Hyun-ju, một cựu binh lính Lực lượng đặc biệt, người ngày càng trở nên có giá trị đối với những thí sinh khác như một chỗ dựa tinh thần và cả sức mạnh thể chất. Trong một cảnh phim, Hyun-ju giải thích lý do cô muốn tham gia trò chơi, tiết lộ rằng "mọi thứ đã thay đổi" khi quyết định chuyển giới.
"Mẹ tôi khóc rất nhiều. Và bố tôi không nói chuyện với tôi nữa. Tôi bị đuổi việc và mất hết bạn bè", Hyun-ju nói, giải thích rằng với số tiền thắng cược, cô sẽ chuyển đến Thái Lan, hoàn tất quá trình chuyển giới và bắt đầu một cuộc sống mới. "Tôi vẫn chưa kết thúc quá trình điều trị và các thủ thuật. Nhưng tôi không kiếm được tiền nên nợ nần cứ chồng chất. Mặc dù tôi cảm thấy được giải thoát, cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều".
Park mô tả Hyun-ju là một nhân vật mà bất chấp định kiến và khó khăn phải đối mặt, cô vẫn tiếp tục thể hiện "sức mạnh đáng kinh ngạc, sự quyết đoán và khả năng lãnh đạo bẩm sinh".
Park cho biết: "Cô ấy đã phá vỡ những khuôn mẫu và trở thành một nhân vật truyền cảm hứng".
Bối cảnh
Trong khi Hwang cho biết anh "hoàn toàn tin tưởng" Park sẽ thể hiện tốt nhân vật này, các nhà phê bình lại cho rằng sự thể hiện phù hợp không chỉ liên quan đến tài năng diễn xuất, mà còn liên quan đến khả năng nhận diện.
"Tôi thấy không ổn khi một người đàn ông đóng vai phụ nữ chuyển giới trong phim", một người dùng X khác đăng. "Tôi hiểu là họ đang cố gắng bao hàm nhưng chỉ cần thuê một phụ nữ chuyển giới thực sự hoặc một người phụ nữ".
John Cho - phó giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học British Columbia (Canada), chuyên về các vấn đề giới và nghiên cứu về người đồng tính - giải thích rằng đối với nhiều nhóm thiểu số về chủng tộc và giới tính, việc chọn một người đàn ông dị tính vào một trong những vai chuyển giới hiếm hoi ở Hàn Quốc có thể được coi là "cú tát vào mặt". Ông cũng cho biết điều này đã phơi bày một sự chênh lệch rõ ràng.
"Nó không giống việc bạn có hàng trăm diễn viên chuyển giới đại diện cho các nhân vật dị tính. Có những bất bình đẳng về mặt cấu trúc đã ăn sâu vào lịch sử về khả năng tiếp cận đại diện", Cho nói.
Mặc dù việc nêu bật cốt truyện chuyển giới có thể là một bước tiến tích cực, ông nói thêm, "những người chuyển giới và những người đồng tính nói chung từ trước đến nay vẫn bị từ chối".
Cho cho biết vấn đề này cần được xem xét trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc. Trong cuộc thăm dò ý kiến thanh thiếu niên LGBTQ Hàn Quốc được đưa vào báo cáo năm 2021 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, 96% số người được hỏi cho biết họ đã từng bị phân biệt đối xử hoặc bắt nạt ở trường. Báo cáo cũng tham khảo cuộc thăm dò năm 2014 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc cho thấy 80% thanh thiếu niên LGBTQ báo cáo rằng họ đã nhận được những bình luận phân biệt đối xử từ giáo viên.
Theo Cho, lý do tiềm ẩn cho điều này là trong nhiều năm qua, đất nước đã cố gắng củng cố các tiêu chuẩn nam tính truyền thống. Năm 2021, một người lính chuyển giới, Trung sĩ Byun Hui-su, đã tự sát sau khi bị cho giải ngũ. Cô đã muốn chuyển sang quân đoàn nữ sau khi trải qua cuộc phẫu thuật chuyển giới nhưng được cho là không đủ điều kiện phục vụ do cuộc phẫu thuật. Vài tháng sau khi cô qua đời, Tòa án quận Daejeon đã ra lệnh cho quân đội công nhận cô là phụ nữ và hủy bỏ lệnh sa thải cô.
"Cuộc tranh cãi này rất quan trọng vì nó mở đầu cho các cuộc đối thoại. Nhưng những cuộc đối thoại này cần được mở rộng và phức tạp hơn nhiều để chúng ta không bị mắc kẹt", Cho nói.