Nhận tội thay người gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

Nhận tội thay người gây tai nạn giao thông có thể bị xử lý về tội Che giấu tội phạm, Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, Không tố giác tội phạm.

Trong một số vụ tai nạn giao thông có trường hợp người thân đứng ra nhận tội thay tài xế. Vậy trong tình huống này, người nhận tội thay sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết, hành vi nhận tội thay cho người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Che giấu tội phạm, tội Cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối hoặc tội Không tố giác tội phạm.

Hiện trường vụ ô tô lao vào nhà dân ở Tuyên Quang khiến bé gái 17 tháng tuổi tử vong.

Hiện trường vụ ô tô lao vào nhà dân ở Tuyên Quang khiến bé gái 17 tháng tuổi tử vong.

Đối với tội che giấu tội phạm: Khoản 1, Điều 18, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 18, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định hai khung hình phạt đối với tội danh này: người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại một số điều quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù 2 - 7 năm.

Đối với tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối: Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tài liệu sai sự thật là những tài liệu giả mạo hoặc có nội dung sai lệch với sự thật nhằm đánh lừa người đọc.

Khai báo gian dối là hành vi trình bày vụ việc, ý kiến không trung thực, khách quan về vụ việc. Người có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối biết rõ thông tin sai sự thật nhưng vẫn cố gắng thực hiện.

Tội danh này có 3 khung hình phạt chính với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định lên đến 5 năm.

Đối với tội không tố giác tội phạm: Là hành vi của người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác.

Tội danh này được quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, với khung hình phạt là 3 năm tù giam.

Trong trường hợp người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Anh Nhật

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhan-toi-thay-nguoi-gay-tai-nan-giao-thong-bi-xu-ly-the-nao-ar915892.html
Zalo