Nhân tố nào sẽ chi phối thị trường tài chính năm 2025?

Dưới đây là một số yếu tố có thể tác động đáng kể đến tâm lý thị trường trong năm tới, đòi hỏi các nhà đầu tư phải xem xét cẩn trọng.

Các nhà phân tích dự đoán thị trường chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2025, sau khi thiết lập nhiều kỷ lục mới trong năm 2024. Xu hướng này tiếp diễn chủ yếu nhờ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tác động đáng kể đến tâm lý thị trường trong năm tới, đòi hỏi các nhà đầu tư phải xem xét cẩn trọng.

Gánh nặng nợ công

Đồng USD Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đồng USD Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Các nhà phân tích chỉ ra rằng nhiều nền kinh tế lớn đang đối mặt với thách thức về nợ công, đe dọa đà tăng trưởng quốc gia. Công ty quản lý đầu tư Brooks Macdonald nhấn mạnh rằng việc giải quyết thách thức này sẽ đóng vai trò rất quan trọng để ổn định nền kinh tế thế giới trong năm 2025.

Tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh và Pháp lần lượt là khoảng 100% và 112%. Trong khi đó, tại Mỹ, tỷ lệ này là 123% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Giám đốc đầu tư của công ty chuyên về nền tảng đầu tư trực tuyến AJ Bell, ông Russ Mould lưu ý rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đẩy nhanh tốc độ vay nợ của Chính phủ Mỹ, đưa nợ của nước này vượt quá mức kỷ lục 36.000 tỷ USD hiện tại. Chi phí trả lãi nợ hàng năm của Mỹ đã vượt quá 1.000 tỷ USD, lớn hơn cả ngân sách quốc phòng.

Nếu Mỹ không bắt đầu cắt giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu, những khó khăn có thể sẽ xuất hiện. Ông Mould cho rằng Mỹ đang đối mặt với những viễn cảnh khó khăn như lợi suất trái phiếu tăng, lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn,...

Thương mại toàn cầu: Rủi ro từ chính sách thuế quan

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán là khá lạc quan, các chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump - bao gồm thuế quan - có thể gây khó khăn cho Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), đặc biệt là Đức. Thuế quan cũng có thể thúc đẩy lạm phát ở Mỹ và khiến Fed phải thay đổi chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, ông Chris Crawford, quản lý cấp cao tại quỹ đầu tư Crawford Fund Management tin rằng một cuộc chiến thương mại lớn khó có thể xảy ra vì chính sách thuế quan của ông Trump dự kiến sẽ có mục tiêu và hạn chế.

Trong khi đó, Brooks Macdonald lưu ý rằng căng thẳng thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sức mạnh của đồng USD

Kịch bản nào cho “Bộ Bảy vĩ đại”?

Biểu tượng của hãng công nghệ Amazon. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Biểu tượng của hãng công nghệ Amazon. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Trong năm 2024, vốn hóa thị trường của Bộ bảy vĩ đại (Magnificent Seven, gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla) đạt tổng cộng 18.000 tỷ USD, chiếm 35% giá trị của chỉ số tổng hợp S&P 500. Sang năm 2025, giá của những cổ phiếu này được dự báo khó có thể duy trì đà tăng như năm 2024.

Ông Mould lưu ý rằng một cuộc suy thoái bất ngờ, lạm phát kéo dài hoặc lãi suất cao hơn có thể gây khó khăn cho các công ty này. Tương tự, ông Crawford tin rằng sự thống trị của bảy “ông lớn” trên sẽ "mờ dần". Ông dự đoán rằng các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vốn đang tụt hậu sẽ thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư hơn trong tương lai.

Làn sóng mới cho thị trường M&A và IPO

Theo ông Crawford, hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025 do các chính phủ nới lỏng quy định và nguồn tín dụng dồi dào. Ông dự đoán đây sẽ là làn sóng giao dịch lớn nhất trong hơn một thập kỷ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư định vị trong các lĩnh vực sẵn sàng cho xu hướng hợp nhất.

Hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi. Dự kiến sẽ có một làn sóng IPO được nhà đầu tư đón nhận nồng nhiệt.

Hương Thủy (Theo Euronews)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhan-to-nao-se-chi-phoi-thi-truong-tai-chinh-nam-2025/358934.html
Zalo