Nhận thức và kỹ năng của người dân là 'lá chắn' mạnh mẽ nhất chống lừa đảo trực tuyến
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 13/9, ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nhận thức và kỹ năng của người dân là lá chắn mạnh mẽ nhất, mỗi người dân là một chiến sĩ trong không gian mạng trong việc chống lừa đảo trực tuyến.
Xác thực sinh trắc học làm chậm dòng tiền của đối tượng lừa đảo
Vừa qua, Cục An toàn thông tin thu hồi và xử phạt 6 tên định danh liên quan đến việc phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Từ 1/7 đến nay, thực hiện Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, đồng loạt các ngân hàng đã triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học.
Việc các ngân hàng triển khai biện pháp yêu cầu người dân phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đã phát huy tác dụng.
Theo ông Phạm Thái Sơn, biện pháp này giúp giảm đi số lượng các tài khoản giả mạo, tài khoản không thể định danh, làm chậm đi dòng tiền của các đối tượng lừa đảo khi chuyển tiền ra ngoài, từ đó góp phần bảo vệ tài sản của người dùng.
Một trong những giải pháp kỹ thuật sẽ tiếp tục được Cục An toàn thông tin tập trung thời gian tới là triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, được kết nối với nhiều nền tảng khác nhằm giúp phát hiện và ngăn chặn sớm các đường link lừa đảo.
Theo thống kê, tính đến nay, hệ thống kỹ thuật này đã phát hiện và ngăn chặn hơn 13.000 tên miền độc hại, qua đó hỗ trợ bảo vệ cho khoảng 11 triệu người dùng Việt Nam trên không gian mạng.
Sử dụng đồng bộ các giải pháp pháp lý, kỹ thuật và tuyên truyền để chống lừa đảo
Ông Phạm Thái Sơn cho biết, thời gian tới, Cục sẽ triển khai nhiều giải pháp với 3 mục tiêu chính gồm giải pháp liên quan đến pháp lý, kỹ thuật và tuyên truyền với 4 mục tiêu cần đạt được gồm nâng cao chất lượng; xây dựng một môi trường lành mạnh an toàn trên không gian mạng; ngăn chặn các hành vi trên không gian mạng một cách sớm nhất; giảm thiểu tối đa tác động của lừa đảo đối với người dân.
Đầu tháng 9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) triển khai Chiến dịch Vaccine Số-An toàn trên không gian mạng cho người dân tại địa phương.
Chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn trên không gian mạng, trong đó chú trọng việc thực hiện sản xuất các sản phẩm truyền thông số sáng tạo, đổi mới, cập nhật về nguy cơ lây nhiễm mã độc, lộ, lọt thông tin cá nhân, lừa đảo, làm phiền bởi các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, nguy cơ tiếp xúc với nội dung độc hại, bắt nạt trực tuyến…
Cục An toàn thông tin cũng phối hợp với các đơn vị tập huấn nâng cao nhận thức cho hơn 9.000 thanh niên về phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin cũng xây dựng các nội dung phòng chống lừa đảo thông qua những người có ảnh hưởng trên mạng (KOL) để lan tỏa đến đông đảo người dân.
Trong tháng 7,8 vừa qua, đã triển khai nội dung phòng, chống lừa đảo đến hơn 50 triệu người dân trên không gian mạng, tiếp cận 30 triệu người dùng Facebook (tương ứng 39% người dùng), ông Phạm Thái Sơn cho hay.
Cùng với đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đã ra mắt ứng dụng chống lừa đảo nTrust, ứng dụng được cung cấp miễn phí trên Google Play và App Store.
Tính năng chính của phần mềm là giúp phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, thông qua việc kiểm tra theo số điện thoại, tài khoản chuyển tiền và đường link, quét mã QR. Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu đáng nghi nào, người dùng có thể nhập thông tin số điện thoại, số tài khoản, đường link, app nghi ngờ về trung tâm.
Hiện cơ sở dữ liệu chống lừa đảo nTrust đã có hơn một triệu bản ghi, chứa thông tin về số điện thoại, tài khoản, website lừa đảo được tổng hợp từ nguồn dữ liệu được xác minh của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức an ninh mạng thành viên của Hiệp hội.
Cục An toàn thông tin cũng đã phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây lừa đảo ở các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình.
Ông Phạm Thái Sơn nhấn mạnh: "Liên quan đến việc phòng, chống lừa đảo trực tuyến cần có sự vào cuộc đồng thời của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cần sự phối hợp nhanh, mạnh từ nhiều bộ, ngành. Phải coi việc tuyên truyền là giải pháp quan trọng hàng đầu, lâu dài".
"Nhận thức và kỹ năng của người dân là lá chắn mạnh mẽ nhất, mỗi người dân là một chiến sĩ trong không gian mạng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bản thân và những người xung quanh mình," ông Phạm Thái Sơn nói thêm.