Nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống lãng phí
Nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban công tác toàn Ngành tháng 11/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, một trong những vai trò, trách nhiệm quan trọng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) là đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán. Do đó, toàn Ngành cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này, qua đó khẳng định vị thế, vai trò và uy tín của KTNN trong hệ thống chính trị.
Nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ
Báo cáo của KTNN cho thấy, trong tháng 9 và tháng 10/2024, các đơn vị trong toàn Ngành đã khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý các công việc theo Kế hoạch công tác năm 2024. Cụ thể, về công tác kiểm toán, tính đến ngày 31/10, KTNN đã tổ chức xét duyệt 161 kế hoạch kiểm toán, triển khai 155 đoàn kiểm toán, kết thúc 128 đoàn kiểm toán, xét duyệt 132 dự thảo báo cáo kiểm toán và phát hành chính thức 100 báo cáo kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2024.
KTNN cũng đã hoàn thiện dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2025 theo ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của một số cơ quan hữu quan; làm việc với Thanh tra Chính phủ để rà soát chồng chéo giữa dự kiến Kế hoạch kiểm toán và Kế hoạch thanh tra giữa hai cơ quan; hoàn thành Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2024, Báo cáo dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi Quốc hội.
Đáng chú ý, KTNN đã đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 qua thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024; xây dựng Báo cáo tham gia ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; trả lời văn bản của Ban Dân nguyện về các kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV…
Các đơn vị kiểm toán cần tập trung vào các nội dung, lĩnh vực kiểm toán có nguy cơ tham nhũng, lãng phí và áp dụng tất cả các phương pháp kiểm toán theo chuẩn mực, quy trình đã ban hành. Kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đảm bảo chặt chẽ, có bằng chứng cụ thể.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Liên quan đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý, trong 2 tháng qua, KTNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác kiểm toán như: Chỉ thị về việc điều chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm phối hợp khắc phục hậu quả tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; Chỉ thị về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN; Quyết định sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của một số văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Qua công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cho thấy, các đơn vị đã bám sát hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu của Ngành, việc ghi chép nhật ký kiểm toán cơ bản tuân thủ quy định về hồ sơ mẫu biểu, thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo định kỳ.
Về hợp tác quốc tế, KTNN đã trúng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2024-2027. KTNN cũng đã tổ chức thành công các chuyến công tác thăm song phương và làm việc với một số cơ quan kiểm toán tối cao các nước cũng như đăng cai tổ chức thành công các cuộc họp quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán…
Chú trọng kiểm toán hành vi lãng phí
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá, thời gian qua, hoạt động kiểm toán của KTNN đã có những đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân ghi nhận. Hiện nay, bên cạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã được Đảng nhận diện và xác định là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Do đó, trước yêu cầu mới, cùng với cả hệ thống chính trị, KTNN cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trong công tác này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn lực công.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, một trong những mục tiêu quan trọng của hầu hết các cuộc kiểm toán là chú trọng phát hiện kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở đó có những kết luận, kiến nghị phù hợp. Vì vậy, với định hướng đẩy mạnh kiểm toán các hành vi lãng phí, các đơn vị, các đoàn kiểm toán cần quan tâm ưu tiên đến việc thực hiện mục tiêu này. Đối với các cuộc kiểm toán có phát hiện những hành vi lãng phí, các đoàn kiểm toán cần chú trọng thu thập bằng chứng cụ thể, xác thực, đồng thời kết luận kiểm toán cần nêu rõ vấn đề này, đảm bảo chặt chẽ đi cùng với kiến nghị xử lý phù hợp.
Trao đổi về phương pháp kiểm toán, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương, các đoàn kiểm toán nên áp dụng đầy đủ các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán cũng như kết hợp các phương pháp cho cùng một nội dung, để có thể có đầy đủ căn cứ đánh giá, kết luận các nội dung kiểm toán trọng tâm, trong đó có kiểm toán hành vi lãng phí một cách chính xác nhất.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, lãnh đạo các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành và khu vực cho rằng, các đoàn kiểm toán cần chủ động rà soát hệ thống các văn bản quy định pháp luật liên quan đến vấn đề phòng, chống lãng phí để có thể nhận diện chính xác, đầy đủ các biểu hiện, hành vi lãng phí, từ đó vận dụng hiệu quả trong thực tế khi tiến hành các cuộc kiểm toán.
Nêu định hướng chung nhằm đẩy mạnh công tác kiểm toán hành vi lãng phí, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, trong hệ thống các văn bản, quy định của pháp luật và của KTNN đã nêu rất rõ vai trò, trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán. Do đó, toàn Ngành cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này.
Tổng Kiểm toán nhà nước đã giao Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phối hợp với Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế xây dựng hướng dẫn kiểm toán hành vi lãng phí trong một số lĩnh vực, tổ chức hội nghị cho ý kiến toàn Ngành trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành để tổ chức thực hiện trong năm 2025.
Đối với các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực, lãnh đạo KTNN yêu cầu khẩn trương rà soát ngay những dự án, công trình lãng phí trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, rà soát những công trình lãng phí mà KTNN đã thực hiện kiểm toán, rà soát lại trách nhiệm của KTNN (nếu có); lưu ý rà soát các dự án, công trình lãng phí đã được chỉ ra tại Báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các đơn vị cập nhật những dự án, công trình lãng phí chưa được kiểm toán để bổ sung xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2025…/.