Nhận thức đúng, hành động kịp thời để sử dụng điện an toàn sau công tơ
Thời gian qua, tỷ lệ các vụ cháy nổ có nguyên nhân liên quan đến hệ thống, thiết bị điện đáng báo động. Hậu quả mà các vụ hỏa hoạn gây ra đã cướp đi nhiều sinh mạng, thiêu hủy nhiều tài sản. Vấn đề đặt ra hiện nay là an toàn điện sau công tơ đã và đang được thực hiện như thế nào?...
Liên quan đến nội dung này, các diễn giả đã phân tích, đánh giá cũng như đưa ra giải pháp tại Tọa đàm “An toàn điện sau công tơ – Nhận thức đúng, hành động kịp thời” do Báo CAND và EVN tổ chức chiều 23/4.

Thiếu tướng Phạm Khải - Tổng biên tập Báo CAND và Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tặng hoa các vị khách mời. Ảnh: Hoàng Anh
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra
Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo CAND cho biết, vấn đề an toàn điện ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội, đặc biệt là khu vực sau công tơ điện – phần thuộc quyền sử dụng và quản lý trực tiếp của người dân, DN. Thực tế cho thấy, nhiều sự cố đáng tiếc về cháy nổ, thậm chí gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đã xảy ra do sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ quy định trong việc sử dụng điện an toàn.

Thiếu tướng Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo CAND. Ảnh: Hoàng Anh
Tọa đàm là dịp để trao đổi, thảo luận sâu hơn về các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn điện trong khu dân cư, khu sản xuất; đồng thời đưa ra các giải pháp truyền thông, khuyến nghị chính sách và nâng cao nhận thức cộng đồng. Từ đó, chung tay xây dựng một môi trường sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản và sự ổn định của xã hội.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, 5 năm gần đây (2020 - 2024), toàn quốc xảy ra trên 14.000 vụ cháy, với tỷ lệ số lượng vụ cháy làm rõ nguyên nhân, trong đó khoảng 62,98% là do nguyên nhân từ hệ thống thiết bị có sự cố, dẫn đến cháy. Có những năm lên đến 74% về tỷ lệ những vụ cháy đã làm rõ nguyên nhân.

Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. Ảnh: Hoàng Anh
Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2025 xảy ra tổng số trên 900 vụ cháy, 74,4% nguyên nhân do hệ thống thiết bị điện, sự cố về điện. Do đó cho thấy, vấn đề đặt ra có cái nhìn rõ về đặc điểm, nguy cơ và những vấn đề cần phải làm, làm sao giảm thiểu số lượng vụ cháy nói chung và do điện nói riêng, cũng chính là để giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội thông tin thêm, các vụ cháy xảy ra liên quan tới điện chủ yếu do vấn đề về dây dẫn hay thiết bị tiêu thụ. Giai đoạn 2023 - 2024, Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy rất lớn, gây nhiều thương vong và nguyên nhân chủ yếu là do chập cháy khi sạc các phương tiện cơ giới như xe đạp điện, xe máy điện.

Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh
TS. Lương Anh Tuấn (giảng viên Trường Đại học PCCC) cho hay, điện là yếu tố thiết yếu cho đời sống và sản xuất, nhưng chỉ một phút bất cẩn cũng có thể dẫn đến thảm họa. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ liên quan điện: hệ thống không đồng bộ, thiết bị kém chất lượng và ý thức sử dụng điện kém.
Thứ nhất, hệ thống điện chưa đồng bộ, bao gồm các dây dẫn, thiết bị bảo vệ chưa đồng bộ. Thứ hai, do chất lượng các thiệt bị điện trong các hộ dân. Vấn đề cuối cùng hết sức quan trọng là ý thức của người dân trong vấn đề sử dụng điện - gây nên những hậu quả hết sức to lớn.

TS. Lương Anh Tuấn (giảng viên Trường Đại học PCCC). Ảnh: Hoàng Anh
Giải pháp đề ra
Theo Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Trịnh Văn Thuận, Luật Điện lực 2024 và Luật PCCC đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người sử dụng và bên bán điện.
Ngoài ra, một văn bản quan trọng khác là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 12-2014 của Bộ Xây dựng về hệ thống điện trong nhà ở (quy chuẩn này vẫn còn bị nhiều người lãng quên hoặc chưa hiểu hết vai trò trong phòng chống cháy nổ).

Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) Trịnh Văn Thuận. Ảnh: Hoàng Anh
Với khoảng 2,9 triệu khách hàng sau đó các khách hàng sử dụng điện, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) Nguyễn Anh Dũng nhìn nhận, việc sử dụng điện của hộ gia đình có 3 vấn đề về an toàn về hệ thống điện, thiết bị điện, người sử dụng điện.
Ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, trách nhiệm của ngành điện nói chung và điện lực Hà Nội nói riêng là quản lý việc vận hành, đảm bảo an toàn điện đến trước công tơ. Thời gian qua, để đảm bảo an toàn đối với hệ thống lưới điện, ngành điện Hà Nội quy định rõ lưới điện không được phép vượt quá 80% công suất, nếu vượt phải khẩn trương có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn, tránh quá tải. Ngoài đầu tư công nghệ, EVNHANOI trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền cũng như kiểm tra việc sử dụng điện để đảm bảo an toàn để khách hàng nâng cao hiểu biết, hiểu rõ công suất, khả năng chịu tải của ổ cắm, thiết bị, từ đó sử dụng điện đúng cách.

Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Hoàng Anh
Đưa ra giải pháp, Đại tá Phạm Trung Hiếu thông tin, đến nay, Hà Nội luôn tham mưu với Bộ Công an và Chính phủ để điều chỉnh các luật liên quan về an toàn sau công tơ. Từ đó, các đơn vị liên quan có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn người sử dụng điện một cách an toàn. Ngoài ra, việc quản lý các đơn vị sản xuất thiết bị điện cũng sẽ góp phần làm giảm nguyên nhân gây cháy nổ.
"Tới đây sẽ cùng EVNHANOI xây dựng nội dung khuyến cáo, biên tập dễ hiểu, ngắn gọn về an toàn điện trong hộ gia đình để gửi tới người dân bằng QR-Code để tiện theo dõi" - Đại tá Phạm Trung Hiếu nói.
Đại tá Nguyễn Minh Khương cho hay cần nâng cao ý thức, hiểu biết của người sử dụng điện. Muốn vậy tăng cường hướng dẫn, tập huấn nâng cao kiến thức, ý thức của người dân trong sử dụng điện.
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các phương tiện, thiết bị điện lưu hành trên thị trường; quản lý chặt chẽ, làm hết trách nhiệm của các cơ quan có liên quan theo quy định pháp luật về an toàn PCCC nói chung và an toàn điện nói riêng.
"Ba nhóm giải pháp chính đó nếu tập trung làm tốt chắc chắn tỷ lệ cháy do hệ thống thiết bị điện sẽ giảm, thời gian tới sẽ làm rõ vấn đề này. Cơ quan chuyên môn làm hết trách nhiệm của mình, người dân được nâng cao ý thức, các đơn vị thiết kế hệ thống điện cũng như các tổ chức, cá nhân lắp đặt, đi dây... phải nâng cao chất lượng" - Đại tá Nguyễn Minh Khương nhấn mạnh.
"Có thể khẳng định, Hà Nội là địa phương luôn tiên phong về tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến người dân về công tác PCCC. Tới đây, chúng tôi sẽ cụ thể hóa, tích hợp hóa đơn điện tử của các hộ gia định với công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về đảm bảo an toàn trong việc sử dụng điện.
Người dân cần hiểu rằng nguy cơ xảy ra cháy trong gia đình có thể đến từ dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện. Cần thời gian để người dân làm quen với việc thiết bị tiêu thụ điện gắn với thời hạn sử dụng, hết hạn thì không sử dụng nữa. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực cũng cần tính toán đến vấn đề này.
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội