Nhân sự TP.HCM nhận 0 đồng thưởng Tết liên tiếp 2 năm
Dù không nhận được lương tháng 13 và thưởng Tết năm nay, một số nhân sự tại TP.HCM và Hà Nội vẫn giữ tinh thần lạc quan, hiểu cho tình hình khó khăn của doanh nghiệp.
“Năm con Rồng 0 đồng thưởng Tết. Năm con Rắn vẫn trắng tay”, Hữu Thịnh (33 tuổi, quận 5, TP.HCM) hóm hỉnh mô tả về tình trạng của bản thân.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh cho biết đây là năm thứ 2 liên tiếp không có thưởng Tết. Dự án do anh phụ trách năm nay không bán được hàng.
Điều này đồng nghĩa với việc Hữu Thịnh cùng các nhân sự trong nhóm không nhận được thưởng doanh thu, hoa hồng và lương tháng 13.
Đã lường trước tình trạng này, trưởng nhóm kinh doanh tại công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không cảm thấy hụt hẫng hay thất vọng. Sau khi quan sát làn sóng sa thải trước Tết Nguyên đán năm nay, anh tự nhận bản thân vẫn còn may mắn.
“Thay vì than thân trách phận, tôi lạc quan, giữ nụ cười trên môi, hy vọng tình hình khởi sắc trong năm sau. Quản lý mà không đảm bảo tinh thần tốt thì khó động viên nhân sự”, Thịnh chia sẻ.
Hữu Thịnh không phải trường hợp cá biệt. Tình trạng “0 đồng thưởng Tết” diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trong năm nay, phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
Trong khi một số nhân sự tỏ ra thất vọng trước thông tin không có thưởng, nhiều người lại thấu hiểu, thông cảm cho công ty, đồng thời điều chỉnh kế hoạch chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tiền thưởng bình quân dịp Tết Âm lịch là khoảng 12,7 triệu đồng/người, tăng 3,3% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (12,3 triệu đồng/người).
Tuy nhiên, cũng theo Sở LĐ-TB&XH, trong 1.570 doanh nghiệp gửi báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2025, có 394 doanh nghiệp (chiếm 25%) thông tin gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động.
Có thưởng thì vui, không có thì thôi
Đoàn Dung (28 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng không có thưởng trong năm nay. Giống với Hữu Thịnh, cô giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ bước vào năm mới.
Năm ngoái, doanh nghiệp của cô, một agency marketing tại Hà Nội, vẫn nỗ lực trả thưởng đầy đủ dù hoạt động kinh doanh bắt đầu khó khăn. Đến năm nay, công ty không còn khả năng gồng gánh khoản tiền này, đành thông báo nợ thưởng, hứa hẹn trả sau.
Hiểu rằng ban lãnh đạo đã nỗ lực thưởng Tết hồi năm ngoái, nhân viên không buồn bã hay trách móc. Hơn nữa, doanh nghiệp luôn trả lương đúng hạn hàng tháng, chưa có kế hoạch cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy.
“Trước đây, tôi từng nằm trong danh sách sa thải ngay trước Tết Nguyên đán của công ty cũ, không những mất thưởng, còn mất cả việc”, cô chia sẻ.
Do đó, cô giữ tâm lý “có thưởng thì vui, không có thì thôi”. Song, nhiều đồng nghiệp không nghĩ vậy, lập tức tỏ ra buồn bực sau khi biết tin.
Khác với Đoàn Dung và Hữu Thịnh, Vân Trang (24 tuổi, quận 7, TP.HCM) thậm chí còn bị nợ, chậm lương trong năm nay. Cụ thể, công ty công nghệ của cô nợ 1/2 lương tháng 10, hứa hẹn trả trước Tết Âm lịch.
Ngoài ra, Trang cũng nhiều lần bị chậm lương trong năm qua. Trung bình, khoản thu nhập hàng tháng của cô được cộng vào tài khoản muộn hơn quy định trong hợp đồng lao động 5 ngày.
Trước tình hình tài chính bất ổn, Vân Trang không hy vọng vào thưởng Tết. Dù công ty chưa đưa ra thông báo chính thức, cô cùng đồng nghiệp đều ngầm hiểu rằng khả năng nhận lương tháng 13 và thưởng doanh thu cuối năm bằng 0.
Vì chuẩn bị trước tinh thần, nhân viên văn phòng không suy sụp hay thất vọng. Hiện nay, cô chỉ mong nhận về khoản lương bị nợ trước đó.
“Thú thật, tôi không chịu áp lực lớn về tài chính nên vẫn vui vẻ, hoan hỉ bước vào năm mới. Tôi cũng hiểu cho sự buồn bực của những đồng nghiệp gặp áp lực kinh tế”, cô nói.
Kiếm ít, tiêu ít
Theo kế hoạch, nếu nhận được 1/2 lương tháng 10 trước Tết, Vân Trang sẽ dành toàn bộ khoản này để mua quà cho gia đình. Bố mẹ cô không yêu cầu con cái biếu số tiền lớn hay phụ giúp sang sửa nhà cửa, sắm Tết cho gia đình.
Vì thế, cô dư dả hơn trong việc chi tiêu, dự định bỏ một phần tiền tiết kiệm để sắm sửa cho bản thân. Vân Trang lên kế hoạch mua một chiếc áo dài mới, nhuộm lại tóc, làm móng và nối mi.
“Cả năm làm việc vất vả, tôi cũng muốn chỉn chu khi Tết đến xuân về. Hơn nữa, năm mới cũng là dịp gặp gỡ họ hàng, tôi ngại nhận về những ánh mắt đánh giá, soi xét”, nhân viên văn phòng 24 tuổi nói.
Khoản duy nhất Trang dự định cắt giảm là chi phí tiệc tùng. Năm ngoái, khi rủng rỉnh thưởng Tết, cô tham dự nhiều buổi gặp gỡ, liên hoan cuối năm, sẵn sàng chi trả từ 1-2 triệu đồng cho các buổi tiệc.
“Năm nay, tình hình tài chính, công việc của bạn bè tôi đều không khả quan, nên sẽ ít rủ rê tụ tập. Tôi đỡ một khoản chi”, cô nói.
“Thắt lưng buộc bụng” cũng là chính sách mà Hữu Thịnh áp dụng trong mùa Tết Ất Tỵ 2025. Anh hoãn lại nhiều dự định lớn, bao gồm sửa nhà cho bố mẹ và đổi ôtô.
Anh không muốn “vung tay quá trán” cho vài ngày Tết, rồi ôm nợ tín dụng đến năm sau. Thịnh cho rằng tình hình kinh doanh của công ty vẫn chưa ổn định, không thể chắc chắn về viễn cảnh “tiêu trước trả sau”.
“Cái Tết bây giờ cũng không còn nặng nề như trước kia. Hoạt động thăm hỏi nhà nhau ít dần, giảm áp lực trang trí nhà cửa, bày biện tiệc tùng đón khách”, Thịnh chia sẻ.
Để giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ bước vào năm mới, anh quyết không để bản thân rơi vào cảnh nợ nần. Hữu Thịnh coi đây là dịp để nghỉ ngơi, tuân thủ nguyên tắc “kiếm ít, tiêu ít” của bản thân.