Nhân rộng vùng trồng sắn từ giống cây sạch bệnh

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng cây sắn (cây khoai mỳ) lớn thứ 2 so với cả nước, chỉ sau tỉnh Gia Lai, nhưng năng suất cây trồng của tỉnh này đứng đầu trong cả nước. Ở Tây Ninh, cây sắn được trồng nhiều ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và Dương Minh Châu. Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh nằm trong hệ thống khảo nghiệm của cây sắn quốc gia, có điều kiện tiếp nhận các giống mới, kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, thuận lợi để phát triển cây sắn theo hướng bền vững.

Giống cây sắn HN5 có thể kháng bệnh khảm lá, cho năng suất cao đang được người dân Tây Ninh triển khai trồng thực nghiệm thay thế cho các loại giống sắn cũ. Ảnh: Ái Vân

Giống cây sắn HN5 có thể kháng bệnh khảm lá, cho năng suất cao đang được người dân Tây Ninh triển khai trồng thực nghiệm thay thế cho các loại giống sắn cũ. Ảnh: Ái Vân

Năm 2023, tổng diện tích trồng sắn trên toàn tỉnh là hơn 60.700ha, năng suất bình quân đạt 33,5 tấn/ha, sản lượng đạt 10.000 tấn, tăng so với năm 2022, giá của sắn dao động từ 3.400 đến 3.700 đồng/kg. Ở Tây Ninh, cây sắn được trồng và thu hoạch quanh năm, tập trung vào 2 vụ chính là vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, trong đó, vụ Đông Xuân vừa qua, toàn tỉnh trồng hơn 35.600ha, vụ Hè Thu trồng hơn 13.200ha và vụ mùa hơn 11.600ha. Các giống sắn được trồng rộng rãi dễ thích nghi với các điều kiện tự nhiên của tỉnh nên đạt năng suất và hàm lượng tinh bột cao.

Tuy nhiên, năm 2017, dịch khảm lá xuất hiện trên cây sắn ở Tây Ninh, ngành nông nghiệp Tây Ninh đã nhanh chóng phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, thử nghiệm tìm ra các loại giống mới kháng được loại dịch bệnh này, như H3, HN5, HN1, HN36, HN83, HN97... Do đó, tỉnh Tây Ninh đã tập trung nhân rộng sản xuất cây sắn từ giống sạch bệnh, quản lý phòng trừ bệnh khảm lá, xây dựng mô hình trồng thâm canh cây sắn bền vững, sử dụng những giống sắn sạch bệnh tại những vùng trồng sắn trọng điểm, sản xuất cây sắn thương phẩm sạch bệnh. Trong đó, Tân Biên là một trong những địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất tỉnh.

Tại đây, ngành khuyến nông Tây Ninh đã nhiều năm phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu lai tạo các giống sắn kháng bệnh và cùng với người dân nhân rộng giống sắn sạch bệnh. Người trồng sắn còn được dự các lớp tập huấn, hội thảo với nhiều chủ đề phòng chống bệnh hại lá trên cây sắn, bà con áp dụng nhiều biện pháp thâm canh và giải pháp phát triển cây sắn bền vững, cán bộ khuyến nông luôn bám sát người nông dân chăm sóc cây trồng, khuyến cao người trồng áp dụng biện pháp thâm canh, xen canh bón phân hợp lý trên cây sắn.

Tham gia dự án nhân rộng giống sắn sạch bệnh có anh Bùi Công Ngọc, ở ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu. Trước đây từng canh tác cây sắn, sau khi xuất hiện bệnh khảm lá, có chương trình nhân rộng giống sắn chống bệnh khảm lá, anh đã trực tiếp cộng tác. Hiện nay, anh vẫn đang phối hợp với Trung tâm khuyến nông bám sát dự án, nhận cây giống về nhân giống trên đất nhà mình. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng sắn, anh khẳng định rằng, để cây sắn Tây Ninh phát triển được bền vững, đó là tăng cường bón phân hữu cơ để mang lại độ phì, độ xốp của đất, khuyến cáo với bà con nên dùng những giống kháng bệnh để tăng năng suất cây sắn.

Anh Bùi Công Ngọc, nông dân tiêu biểu trồng hơn 100ha sắn ở ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Ái Vân

Anh Bùi Công Ngọc, nông dân tiêu biểu trồng hơn 100ha sắn ở ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Ái Vân

Ông Dương Thanh Phương, Phụ trách Trạm khuyến nông huyện Tân Châu nói, trong quá trình sản xuất, bà con nên bón các loại phân hữu cơ để cải tạo đất, tốt nhất bà con trồng xen canh một vụ sắn, một vụ bắp thì năng suất sẽ ổn định hơn, sâu bệnh cũng ít hơn. Ngoài những loại giống sạch bệnh được công nhận tại địa phương, Trung tâm khuyến nông cũng đang tiếp tục nghiên cứu thêm những giống mới nữa để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Cùng với việc xây dựng mô hình trồng thâm canh cây sắn bền vững cho người dân, tỉnh Tây Ninh cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo về giải pháp phát triển bền vững vùng trồng sắn, kết nối tiêu thụ giữa nhà máy và người trồng. Có nhiều ý kiến đóng góp từ người trồng, đại diện doanh nghiệp chế biến sắn để chung tay phát triển vùng trồng sắn bền vững ở Tây Ninh. Hầu hết những giải pháp được đưa ra đều mong muốn người trồng nên sử dụng giống mới chất lượng cao, kháng được bệnh; thực hành tưới tiết kiệm nước, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GAP; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch; phối hợp với cơ quan nghiên cứu, chọn lọc nhân các giống sắn mới, kháng được bệnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến; tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng định hướng việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh...

Trong năm, tỉnh Tây Ninh triển khai trồng thử nghiệm 6ha với giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3, HN5 được thực hiện tại huyện Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu. Với loại giống sắn HN5 có thời gian sinh trưởng là 300 ngày, năng suất cao, củ tươi đạt từ 38,3 đến 43,7 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 27%, hàm lượng chất khô đạt 46,5%, tỷ lệ nhiễm bệnh của giống sắn HN5 rất thấp chỉ dưới 0,5%. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Viện Di truyền tham gia đánh giá mô hình khảo nghiệm 500 giống sắn kháng bệnh khảm lá tại huyện Tân Châu.

Đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vẫn đang phối hợp với các trung tâm, nhân rộng giống cây sắn kháng bệnh đang trồng khảo nghiệm tại huyện Tân Châu và Viện Trồng trọt. 76 giống sắn kháng bệnh được trồng khảo nghiệm tại viện, trong giai đoạn này, nếu chọn được bộ giống đủ điều kiện thì ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu chuyên sâu hơn về tính ổn định, năng suất của giống sắn mới. Đồng thời, xin chủ trương công nhận tăng số lượng bộ giống kháng bệnh khảm lá, cung cấp cho người trồng ở Tây Ninh và các tỉnh lân cận có nhu cầu trồng sắn bằng các giống cây sắn sạch bệnh.

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm khuyến nông huyện Tân Châu cho biết, người dân Tây Ninh có kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc cho cây, nhân rộng trồng giống sắn mới kháng bệnh từ những tỉnh khác có năng suất cao. Đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch để giảm lượng nhân công. Thay đổi quy trình canh tác những giống mới, tích cực phối hợp với các viện, trung tâm nguyên cứu để nhân giống sắn có lượng bột và năng suất tốt nhất để đưa vào trồng đại trà...

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhan-rong-vung-trong-san-tu-giong-cay-sach-benh-post475023.html
Zalo