Nhân rộng mô hình 'Gia đình hội viên không có trẻ hư'
Từ những mô hình điểm ban đầu, đến nay mô hình 'Gia đình hội viên không có trẻ hư' của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Huế (cũ), nay là Hội LHPN quận Thuận Hóa và quận Phú Xuân đã được phát triển, nhân rộng đến các cơ sở hội.
![Hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tìm hiểu về những kiến thức pháp luật](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_459_51438283/1eb7cbb9f0f719a940e6.jpg)
Hội viên phụ nữ được tuyên truyền, tìm hiểu về những kiến thức pháp luật
Gia đình chị Lê Thị Thúy, Chi hội 16, phường An Đông, quận Thuận Hóa có con gái đang học lớp 10 - độ tuổi mà những người mẹ “khó” dạy dỗ, trò chuyện và chia sẻ với con nhất. “Trước đây cứ con sai là tôi hay mắng. Có những lần chỉ cần nghe người khác kể là thấy con đi xe đạp điện cùng bạn mà không đội mũ bảo hiểm, không cần hỏi con có phải như vậy không, tôi đã mắng xa xả. Tôi cứ mặc định con sử dụng điện thoại là để “chát chít” chứ không tập trung học tập... Từ khi tham gia mô hình “Gia đình hội viên không có trẻ hư”, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm để dạy con của các chị em hội viên. Từ đó tôi nhận thấy, bên cạnh việc dạy dỗ thì đồng hành cùng con là điều hết sức quan trọng. Thay vì la mắng con vì sao không đội mũ bảo hiểm, tôi đã cùng con đi mua chiếc mũ bảo hiểm con yêu thích, theo trend của giới trẻ miễn sao chiếc mũ đó đảm bảo an toàn khi con sử dụng nó. Tôi nhận ra rằng, có những điều người lớn đúng, nhưng cũng có những điều chúng ta hay lấy cái đúng của mình để áp đặt cho con, dù điều đó không hề phù hơp với con. Ở độ tuổi như con tôi bây giờ, cùng với việc dạy dỗ, cha mẹ còn phải tỉ tê chuyện trò, chia sẻ cùng con như những người bạn. Giờ đây, trước khi quyết định một việc gì đó liên quan đến con, tôi đều hỏi ý kiến của con, hay những việc con làm chưa đúng thay vì la mắng, tôi nhẹ nhàng phân tích đúng sai cho con hiểu. Chỉ khi cái sai đó lặp lại quá hai lần mới dùng những biện pháp mạnh hơn. Có như thế mình mới hiểu được tâm tư của con để có phương pháp giáo dục con phù hợp...”, chị Thúy chia sẻ.
Dạy con đúng cách nên con gái đang học lớp 11 của chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Chi hội 13, Hội LHPN phường Thủy Xuân, quận Thuận Hóa luôn ngoan ngoãn. “Tham gia mô hình “Gia đình hội viên không có trẻ hư”, không những tôi biết thêm nhiều kiến thức về pháp luật, quyền trẻ em để có những định hướng đúng đối với lứa tuổi của con mà tôi còn có thể học hỏi thêm những kỹ năng, kinh nghiệm để nuôi dạy con mình tốt hơn từ chị em hội viên. Thay vì ngăn cấm con chơi với bạn này, bạn kia như trước, giờ tôi đã phân tích cho con những điểm tốt, điểm chưa tốt của các bạn để các con cùng nhau tiến bộ. Tôi đã bắt đầu tôn trọng quyền riêng tư “trong khuôn khổ” của con, như ngoài những giờ học trên lớp, học thêm con có thể đi xem những bộ phim phù hợp với lứa tuổi, đi chơi cùng các bạn, điều mà trước đây tôi vẫn mặc định đó là đi “đàn đúm”. Tôi đã từng cho rằng việc quan trọng ở lứa tuổi của con là phải học và học... mà quên đi việc con cũng cần có những không gian riêng, những trải nghiệm cuộc sống để có thêm những kỹ năng khác”, chị Ngân cho biết.
Việc thành lập mô hình “Gia đình hội viên không có trẻ hư” không những đã phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong chăm sóc, giáo dục con cái, nuôi con khỏe, dạy con ngoan mà còn góp phần thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Nghị quyết Liên tịch 01/2002/NQLT giữa Hội LHPN và Công an về quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không phạm tội, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, cũng như công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện mỗi mô hình “Gia đình hội viên không có trẻ hư” có 15 – 17 thành viên, các thành viên được tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật; các chủ trương, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và các nội dung của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Đồng thời, gia đình hội viên phụ nữ cũng ký cam kết giáo dục, tuyên truyền, vận động con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và các loại tệ nạn xã hội theo bảng tiêu chí.
Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thuận Hóa cho biết: Hiện mô hình “Gia đình hội viên không có trẻ hư” đang được triển khai có hiệu quả và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới và tiếp tục được nhân rộng đến từng cơ sở hội. Với mục tiêu năm 2025, 100% cơ sở hội phường, xã xây dựng mô hình, tiếp tục nhân rộng ở các thôn, tổ...
Việc tham gia mô hình đã giúp hội viên nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của mỗi người phụ nữ trong giáo dục con em không vi phạm pháp luật, trật tự xã hội, đẩy mạnh xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại từng tổ dân phố. Trong đó, cụ thể hóa tiêu chí “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội” bằng hình thức cam kết. Qua đó, hội viên phụ nữ sẽ kịp thời phát hiện các hành vi hoặc các dấu hiệu nghi ngờ vi phạm pháp luật về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; các hành vi gây mất an ninh trật tự; các hành vi xấu gây ảnh hưởng đến cộng đồng…