Nhân rộng 3 giống lúa siêu nguyên chủng
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và lựa chọn 3 giống lúa siêu nguyên chủng, tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng cao, mùi vị đặc trưng.

3 giống lúa siêu nguyên chủng tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng cao. Ảnh minh họa: INT
Phục hồi giống lúa chứa nguồn gen quý hiếm
Cùng với việc thâm canh, tăng vụ và chuyên canh cây lúa, mặc dù sản xuất ra nhiều lúa gạo hơn nhưng thực tế thu nhập của nhiều người dân vẫn còn thấp, do phải chi trả quá nhiều cho việc bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Từ khi thâm canh và phát triển các giống lúa cao sản cải tiến, gần như hệ sinh thái nông nghiệp tự nhiên trong ruộng lúa đã bị thay đổi hoàn toàn, hầu hết các loài tôm, cá đều bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng, chủng loại và thành phần loài.
Sản xuất lúa đã đến giới hạn cung vượt quá cầu nên thu nhập của nông dân rất rủi ro. Để chuyển đổi mô hình sản xuất, đã đến lúc phải tăng cường sản xuất các giống lúa chất lượng cao, chấp nhận năng suất thấp và tăng cường tính ổn định, bền vững cho toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp thông qua việc phát triển cây lúa mùa.
Việc phục hồi và phát triển giống lúa mùa có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đa dạng sinh học, xây dựng được thương hiệu gạo sạch, chất lượng cho tỉnh Kiên Giang nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, TS Trần Đình Giỏi và các cộng sự thuộc Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai đề tài “Nghiên cứu phục tráng các giống lúa mùa đặc sản, hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác và xây dựng thương hiệu gạo vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang”.
Sau 5 năm triển khai (2019 - 2024), đề tài đã thu thập, đánh giá và phục tráng một số giống lúa mùa đặc sản có phẩm chất gạo thơm, ngon, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm chủ động cung cấp giống lúa chất lượng cao cho người dân phát triển thế mạnh nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang, cũng như quảng bá chất lượng sản phẩm gạo Kiên Giang đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
TS Trần Đình Giỏi cho biết, giống lúa mùa đặc sản thường được gieo cấy vào vụ mùa từ tháng Năm - tháng Sáu, thu hoạch vào cuối tháng 10 - 11, và tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng cao, mùi vị đặc trưng. Những giống này thường được lưu giữ, chọn lọc qua nhiều thế hệ, gắn liền với tập quán canh tác truyền thống và văn hóa địa phương.
Nhóm đã thí nghiệm đánh giá tính chống chịu mặn của 22 giống lúa mùa trong môi trường dinh dưỡng Yoshida (dùng phổ biến trong nghiên cứu trồng lúa và các loại cây thủy sinh chứa các nguyên tố đa lượng và vi lượng cần thiết cho cây trồng như kẽm sunfat, đồng sunfat, axit boric, canxi clorua,…), có bổ sung muối natri clorua ở các nồng độ 0‰, 4‰, 8‰ và được thực hiện trong nhà lưới.
Chọn các giống siêu thuần chủng
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo nghiệm đã chọn 5 giống lúa triển vọng là Nếp Thơm, Ba Bụi, Một Bụi, Tiêu Chệt và Bằng Đỏ để phục tráng làm thuần đến thế hệ G1 và đưa vào tám mô hình trình diễn tại 4 huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Qua đó, xác định được ba giống lúa Ba Bụi, Một Bụi và Tiêu Chệt để sản xuất siêu nguyên chủng.
Nhóm đã sản xuất được 160 kg giống lúa siêu nguyên chủng cho mỗi giống. Các giống này thuộc nhóm giống lúa mùa sớm và lỡ, phù hợp cho hệ thống canh tác lúa tại địa phương, và hiện vẫn đang được nhân rộng tại bốn huyện nói trên.
Theo TS Trần Đình Giỏi, sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng là quá trình nhân giống cây trồng từ các giống thuần chủng chất lượng cao, đảm bảo sự đồng nhất về di truyền và không có sự pha tạp.
Các giống siêu nguyên chủng được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng, sức khỏe cây trồng và khả năng chống chịu với các yếu tố môi trường. Quá trình này giúp tạo ra các cây giống đạt tiêu chuẩn cao, không có bệnh, có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng ổn định.
Nhóm nghiên cứu đã triển khai tám mô hình sản xuất các giống lúa mùa đã được phục tráng, với năng suất từ 3,5 - 4,5 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phù hợp với điều kiện canh tác tại các huyện vùng U Minh Thượng, qua đó, xây dựng thương hiệu gạo vùng U Minh Thượng (đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu). Việc nghiên cứu phục tráng, chọn lọc và nhân rộng các giống lúa đặc sản góp phần xây dựng thương hiệu gạo vùng U Minh Thượng.