Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5): Phát triển đội ngũ trí thức tạo nền tảng cho tương lai bền vững

Nam Định đang từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển đội ngũ trí thức với việc triển khai Chương trình hành động số 45-Ctr/TU ngày 31/1/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa về việc thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra dự án sản xuất hoa lan công nghệ cao tại thành phố Nam Định.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra dự án sản xuất hoa lan công nghệ cao tại thành phố Nam Định.

Đội ngũ trí thức luôn là lực lượng tiên phong đóng góp cho sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, vai trò của trí thức càng trở nên đặc biệt quan trọng. Xác định nhiệm vụ phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức là trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, các cấp, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đặc biệt quan tâm trọng dụng, tôn vinh và đãi ngộ trí thức thông qua việc thu hút cán bộ có trình độ cao; sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi về công tác tại địa phương; xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, đoàn thể, các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Cùng với đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị làm việc hiện đại, góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho trí thức cống hiến trí tuệ. Với sự quan tâm tích cực của cả hệ thống chính trị, những năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện trong đội ngũ 27.535 cán bộ, công chức, viên chức (3.049 công chức, 24.486 viên chức) từ cấp huyện trở lên, số công chức có trình độ tiến sĩ là 15 người; thạc sĩ 635 người; đại học, cao đẳng 2.284 người; số viên chức có trình độ tiến sĩ là 11 người, thạc sĩ 868 người; đại học, cao đẳng 19.715 người.

Đội ngũ trí thức ở các cơ quan, đơn vị đã bám sát thực tiễn, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, tâm huyết trong nghiên cứu để tham mưu hoạch định đường lối, chính sách; đề xuất những giải pháp hữu hiệu; tạo ra nhiều sản phẩm, công trình có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD và ĐT), y tế, khoa học và công nghệ (KH và CN)… góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của địa phương; phát huy được vai trò của mình trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Để tiếp tục phát triển đội ngũ trí thức lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hiện nay, tỉnh đang khẳng định quyết tâm thông qua việc đặt ra 5 nhiệm vụ, giải pháp căn cơ. Trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức toàn diện trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương. Kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức nhằm phát huy tối đa trí tuệ tập thể. Đặc biệt, chương trình hợp tác giữa tỉnh và Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT là những mô hình điểm nhằm tạo đột phá, toàn diện nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao. Thông qua đó, tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức của tỉnh trong các lĩnh vực then chốt như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ thuật số, logistics, môi trường… Đây là những mảng đòi hỏi đội ngũ trí thức có kiến thức liên ngành, tư duy đổi mới và khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Song hành cùng công tác đào tạo là nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm phát huy tối đa năng lực, vai trò của đội ngũ trí thức. Việc rà soát, bổ sung các chính sách đãi ngộ phù hợp, cơ chế khuyến khích nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức là nền tảng phát triển đội ngũ trí thức đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối giữa các ngành, lĩnh vực và thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng KH và CN, GD và ĐT; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến. Đồng thời khuyến khích khu vực tư nhân thành lập quỹ KH và CN; thúc đẩy doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số hiện nay. Việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ KH và CN cho các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có năng lực thực sự cũng đang phát huy hiệu quả với nhiều đề tài, dự án KH và CN mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn. Bên cạnh đó, tỉnh tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm, phát triển sản phẩm mới, công nghệ mới. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát huy vai trò các hội trí thức, tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, những “cầu nối” gắn kết giữa trí thức với hệ thống chính trị theo hướng sát thực tiễn. Tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, hoạch định chính sách của tỉnh.

Bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện, Nam Định đang đặt nền móng vững chắc bước vào kỷ nguyên mới trên cơ sở phát huy trí tuệ, tài năng và tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức - lực lượng xung kích kiến tạo tương lai cho quê hương.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202505/nhan-ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-185-phat-trien-doi-ngu-tri-thuctaonen-tang-cho-tuong-lai-ben-vung-6695e9c/
Zalo