Nhân ngày Công tác xã hội thế giới (12-11) Hướng về người kém may mắn
Đồng Nai hiện có hơn 800 cán bộ, viên chức, người lao động, nhân viên tham gia công tác xã hội. Bộ phận này thường xuyên thực hiện cung cấp dịch vụ, phục vụ cho khoảng 90 ngàn trường hợp cần trợ giúp xã hội.
Đây là lực lượng đã giúp cho những hoàn cảnh kém may mắn giảm bớt khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nghề của tình thương và sẻ chia
Nếu hình dung về khối lượng công việc của người làm công tác xã hội tại Đồng Nai thì bình quân một người tham gia công tác xã hội phụ trách đến 900 trường hợp cần hỗ trợ.
Cụ thể, mỗi tháng, Đồng Nai thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 86,5 ngàn đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng với tổng kinh phí chi trả mỗi năm khoảng 750 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh có 15 cơ sở bảo trợ xã hội đang quản lý gần 1,4 ngàn người cao tuổi, người khuyêt tật, người mắc bệnh tâm thần và những trẻ em mồ côi, người không nơi nương tựa. Đồng thời, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh và 2 cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đang quản lý, hỗ trợ điều trị cai nghiện cho gần 1,2 ngàn học viên là người nghiện ma túy đang cai…
Theo Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Mộng Thu, công tác xã hội luôn có tính nhân văn sâu sắc, luôn khơi dậy được lòng thánh thiện ở mỗi con người và luôn hướng tới sự chia sẻ bù đắp thiếu khuyết cho những người bất hạnh, yếu thế và hỗ trợ can thiệp giải quyết những bất bình đẳng trong xã hội. Với mục đích và ý nghĩa đó, những người tham gia công tác xã hội đã đưa tâm huyết, tình thương vào nghề mà mình theo đuổi nhằm đáp ứng một phần nhu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Ngoài Ngày Công tác xã hội thế giới (12-11), tại Việt Nam còn có Ngày Công tác xã hội Việt Nam được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25-3).
Trong đó, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là đơn vị sự nghiệp nhà nước với 95 cán bộ, viên chức và người lao động đang đảm nhận vai trò công tác xã hội để chăm sóc 342 trường hợp. Trong số này, có 89 trẻ em và người trong độ tuổi đang đi học, 21 người cao tuổi, 28 người khuyết tật và 204 người mắc bệnh tâm thần.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hoàng Vĩnh Quang cho hay, những người được chăm sóc nuôi dưỡng tại trung tâm thực hiện theo chế độ Nhà nước quy định. Trẻ em mồ côi nuôi dưỡng tại trung tâm được tạo điều kiện cho đi học hòa nhập từ độ tuổi tuổi mẫu giáo và tiếp tục học lên đến cấp đại học, tùy theo khả năng, nhu cầu của từng em. Bên cạnh đó, trung tâm còn tiếp nhận, chăm sóc, hỗ trợ những người lang thang xin ăn từ các địa phương chuyển đến; phối hợp với các cơ quan, địa phương kết nối thông tin hỗ trợ các đối tượng được trở về đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống tại nơi cư trú theo quy định.
Riêng 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang chăm sóc trên 1,3 ngàn trường hợp kém may mắn. Nguồn kinh phí hoạt động tại đây phụ thuộc vào nguồn xã hội hóa, đóng góp của chính cán bộ quản lý các cơ sở này. Do vậy, ngoài áp lực công việc, việc huy động được nguồn lực đảm bảo duy trì sinh hoạt của từng cơ sở là điều khiến quản lý các cơ sở này trăn trở.
Theo linh mục Trần Xuân Thảo, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, người sáng lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi giáo xứ Hà Nội (thành phố Biên Hòa), để duy trì hoạt động ở trung tâm, ngoài sự chủ động của tập thể tại đây thì sự đóng góp, chung tay của cộng đồng là yếu tố góp phần tạo nên cơ hội học tập cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.
Chung tay nâng cao cuộc sống cho người kém may mắn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, công tác xã hội tại tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Thu, trước hết có thể kể tới các hình thức trợ giúp, các dịch vụ xã hội chưa phong phú và chất lượng chưa cao. Phương thức can thiệp giải quyết vấn đề hiện nay còn mang tính chữa trị hơn phòng ngừa, do vậy kết quả của chính sách an sinh xã hội chưa thực sự bền vững…
Từ thực tế này, ngày 30-8-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2024/QĐ-TTg về công tác xã hội, định hướng công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.
Tại Đồng Nai, theo Quyết định số 586/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tại mỗi huyện, thành phố ở Đồng Nai sẽ có 2 cơ sở trợ giúp xã hội tổng hợp (cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở chăm sóc trẻ em; cơ sở chăm sóc người khuyết tật). Mỗi cơ sở có quy mô tiếp nhận 100 người và diện tích là 1 hécta/cơ sở. Ngoài ra, Đồng Nai sẽ có 5 cơ sở cai nghiện ma túy, mỗi cơ sở có quy mô tiếp nhận 300 người.
Bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, tỉnh cũng quan tâm đảm bảo đội ngũ lao động thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc những người được chăm sóc tại các cơ sở này. Để người lao động an tâm gắn bó với vị trí việc làm tại các cơ sở bảo trợ xã hội, tỉnh sẽ chú trọng đến đảm bảo chế độ lao động, thu nhập cho những người gắn bó với nghề công tác xã hội.
Nhiều năm gắn bó với công tác xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, chị Đặng Thị Tình cho hay chị cùng những đồng nghiệp cố gắng vượt qua những khó khăn, áp lực trong chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt với tình yêu thương thật tâm bởi mỗi em vào đây đều đã chịu sự bất hạnh hơn trẻ trong cộng đồng. Thời gian qua, chị cùng đồng nghiệp đã nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần của tỉnh để làm động lực gắn bó với nghề công tác xã hội.